Cách Sửa Chữa Máy Điện Một Chiều – Motor Điện, Máy Phát Điện

Như ở bài trước, chúng ta đã tìm hiểu về định nghĩa máy điện một chiều, máy điện có thể là máy bơm nước, motor điện, máy phát điện, (nếu bạn chưa đọc có thể xem tại đây: máy điện một chiều là gì), hôm nay chúng tôi sẽ hướng dẫn cho bạn cách kiểm tra, phát hiện hư hỏng và cách sửa chữa máy điện một chiều đúng chuẩn. Chúng ta cùng tìm hiểu tiếp nhé.

Kiểm tra, phát hiện hư hỏng ở máy điện một chiều

Sửa chữa quấn lại máy điện một chiều thường tiến hành ở hai cụm chính:

  • Stato, gồm có: nắp máy chứa vòng bi, phần cảm có cuộn dây và các chổi than, viên than.
  • Rôto có các dây quấn phần ứng, cổ góp điện, cánh quạt thông gió.

Đầu tiên phải ghi các thông số kỹ thuật trên nhãn máy như: công suất, điện áp, dòng điện, tốc độ quay,… Rồi tiếp tục “kiểm tra nguội”, quan sát tình trạng bên ngoài như: số cực từ, các cuộn dây, chổi than, cổ góp điện các dây nối xem có chắc chắn hoặc đứt, nổ chỗ nào không? Dùng tay quay rôto phải nhẹ nhàng, trơn tru. Phần cơ không có hiện tượng “sát cốt”, các chổi than vẫn tiếp xúc tốt xuống cổ góp điện,…

Kiểm tra, phán đoán chính xác sự hư hỏng ngay từ đầu sẽ giúp cho việc sửa chữa được nhanh chóng, đỡ tốn công sức. Nhiều trường hợp tìm ra đúng chỗ hỏng là nhờ sự quan sát tỉ mỉ mà chưa vội tháo tung máy ra đo đạc hoặc quấn lại. Nếu không có gì nghi ngại thì có thể “kiểm tra nóng” tìm hư hỏng của máy phát điện. Dùng điện một chiều thử nghiệm máy ở chế độ động cơ. Cấp điện vào máy (máy lớn phải qua biến trở khởi động) rồi đo dòng điện qua máy phát trên ampe kế D.C.

Rôto phải quay êm, ổn định và không có tiếng va đập cơ, còn dòng điện không tải phải dưới 25% I­­đm.

  • Nếu dòng điện lên cao quá mức này là do ngắn mạch giữa các vòng dây trong cuộn dây kích từ hoặc cuộn dây phần ứng.
  • Máy chạy lồng lên, không ổn định, kèm theo hiện tượng dòng điện vọt lên cao cũng có thể do cuộn dây kích từ bị đứt mạch, phải ngừng máy để tháo ra tìm chỗ hỏng để sửa chữa.

Nếu máy chạy được, sau vài phút sẽ quan sát tia lửa ở các chổi than:

  • Chổi than đánh lửa nhiều, có thể do các viên than tì không đều xuống cổ góp, than mòn hoặc cổ góp bẩn, cũng có thể do các sợi dây ở phần ứng nói ra cổ góp lỏng, mối hàn trên các phiến góp bị “vảy thiếc”, phải hàn lại.
  • Than mòn quá mức, chổi than tì quá nhẹ, phải sửa lại và thay than mới đúng quy cách.
  • Cách điện của giá đỡ chổi than kém, cổ góp bị bụi than bám bẩn cũng gây ra tia lửa. Phải lau chùi bằng giẻ sạch nhúng xăng, nếu cổ góp có vết xước phải làm sạch bằng giấy ráp thủy tinh (độ hạt 80 ~ 100), không được dùng giấy ráp có bột mài kim loại vì các hạt này sẽ rơi vào cuộn dây, vào khe của hai phiến góp gây thêm chập mạch.
  • Chổi than tóe lửa từng cái, ngay cả khi không tải thì xoay giá đỡ chổi than xem có giảm được tia lửa không. Rà lại than với cổ góp cho ăn đều, chỉnh lại lực nén lò xo của viên than nào bị tóe lửa cho đúng.
  • Chất lượng than không đúng với từng loại máy, than quá nhỏ hoặc quá rộng cũng gây tóe lửa khi làm việc.

 

Xem thêm: hiện tượng cháy máy bơm

 

Trường hợp cổ góp bị rỗ nhiều đã “láng lại”, làm sạch các phiến góp, thay than mới, căng lại lò xo đúng quy cách mà vẫn còn đánh lửa là đã có chỗ đứt hoặc chập mạch trong cuộn dây phần ứng.

  • Nếu máy mới quấn lại chạy thử có một số phiến gop sbij đen cháy xém ở từng khoảng cách nhất định (theo số cực của máy) là do có dây ở những phiến góp này nối sai, mối hàn bị lỏng hoặc bin dây (cuộn dây) ở phiễn góp này chập mạch phỉa tháo ra cạo sạch, hàn lại hoặc quấn lại.
  • Nếu máy chạy có tiếng kêu bất thường, chổi than chỉ tóe lửa khi mang tải, càng tải nặng tia lửa điện càng tăng là do: đấu dây sai ở cực từ chính và cực từ phụ hoặc cuộn dây nối tiếp, song song bị chập một số vòng, khe hở giữa cực từ phụ và roto không đúng.

Máy chạy một lúc, cho ngừng lại sờ vào các cuộn dây thấy ấm đều, nếu có một cuộn dây nào đó nóng quá mức hoặc lạnh bất thường là tại chỗ đó cuộn dây bị chập mạch. Tháo máy ra, cấp điện vào phần cảm, dùng vôn kế đo sụt áp ở hai đầu các cuộn dây, cuộn nào điện áp thấp hoặc bằng không là cuộn đó bị chập mạch (cấp nguồn U thâp để kiểm tra, có thể dùng điện xoay chiều U thử ≤ Uđm để thử).

Cách sửa chữa, quấn lại phần cảm

Khi quấn lại các cuộn dây ở stato phải tháo máy ra từng cụm, tiến hành theo trình tự sau:

  • Tháo vành đai che than, tháo dây dẫn ở chổi than và nhấc khẽ lò xo giữ chổi than để lấy hết các viên than ra ngoài.
  • Tháo hai nắp đỡ ổ bi, đỡ nhẹ đầu trục để rút rotor a khỏi stato.
  • Quan sát chỗ hư hỏng bên ngoài của các cuộn dây kích từ, thông thường cuộn dây nhỏ song song hay bị nổ đứt, cuộn dây to hay bị vỡ cách điện bọc ngoài, chạm mát, nhất là cuộn dây phía dưới thường bị dầu mỡ, bụi bẩn bám nhiều.
quấn lại phần cảm động cơ
Hình 7 – a: đặt băng lên khuôn; b: cột chắc dây băng bằng vải

Tùy theo từng loại máy điện (có thể là motor bơm nước, máy phát điện) có bao nhiêu cực từ sẽ có bấy nhiêu bin dây. Thông dụng nhất là máy hai cực và máy 4 cực, loại máy hai cực có hai bị dây, máy 4 cực có quấn 4 bị dây, tất cả được đấu nối tiếp cùng phía để hình thành bộ dây phần cảm.

Ở mỗi đôi cực thì đường sức từ cuộn dây sẽ đi từ cực N (Bắc) xuyên qua roto đến cực S (Nam) rồi vòng theo mạch dẫn từ trên thân lõi thép stato để về điểm xuất phát.

Máy phát điện kích từ song song
Hình 1: Máy phát điện kích từ song song
Máy khởi động CT 21 kích từ nối tiếp
Hình 2: Máy khởi động CT 21 kích từ nối tiếp

Tuy cả bộ dây có nhiều bin nhưng nếu hỏng bin nào chỉ cần xác định đúng rồi quấn lại bin ấy. Đứt dây, chạm mát có thể lấy đèn thử để tìm được dễ dàng.

Riêng sự chập mạch trong các bin phải dùng ôm kế chính xác để đo điện trở từng bin, sau đó so sánh và xác định ra bin hỏng.

Chập mạch trong từng bin cũng có thể xác định chính xác bằng cách đặt bin dây (đã tháo khỏi cực từ) trong một từ trường biến thiên của “Rônha”. Nếu bin dây bị chập mạch, nó sẽ nóng lên sau vài phút. Đồng hồ lắp ở Rônha sẽ vọt lên quá mức bình thường.

 

Xem thêm: Nguyên nhân máy bơm không lên nước

 

Quấn lại bin dây máy điện một chiều nhỏ giống hệt quấn lại bàn vòng chập: dây mới được quấn vào khuôn bằng gỗ (kích thước khuôn lớn hơn hình dáng cực từ khoảng 0,8 ~ 1mm, chiều dày gỗ làm khuôn lấy thấp hơn chiều cao dưới mỏn cực từ) đúng cỡ dây, đủ số vòng như cũ.

Sau khi tháo bin ở khuôn ra phải nối dây súp mềm vào hai đầu dây, cho vào ống cách điện quấn kín để dây khỏi gãy, sau đó quấn băng vải bọc thật khít trùm cả bin.

Dùng dưỡng ép cong bin theo chiều cong của stato rồi mới lắp vào cực từ.

Máy điện một chiều cỡ lớn, cuộn dây to và nhiều vòng cần phải quấn xếp lần lượt, khi quấn vào khuôn phải dùng băng vải để giữ chặt từng lớp dây cho khỏi bị xô ngay trong khuôn như hình 7 a.

Đặt băng vào 4 cạnh khuôn, đầu băng được ghim tạm lên hai má khuôn rồi mới quấn dây đè lên, từng lượt dây lại gấp băng tuần tự sang phải, sang trái cho đến hết cuộn dây. Khi quấn đủ số vòng đến đầu dây cuối phải luồn vào băng rồi kéo mạnh sợi băng vải để giữ chặt, lúc tháo khuôn thì các lượt dây đã được nằm cố định, không bung ra nữa.

Những bin quấn bằng dây đồng dẹt, cỡ to quấn kiểu bậc thang đều phải dùng băng gấp và xếp chéo quân cờ với nhau để giữ chặt dây khỏi bị tuột khi tháo bin ra như hình 7b.

Những điều cần biết về dây quấn phần ứng, cách vẽ sơ đồ dây quấn

Dây quấn phần ứng do nhiều bin ghép nối tiếp với nhau (thông qua cổ góp điện) thành mạch vòng khép kín. Mỗi bin gồm 1 hoặc nhiều vòng dây quấn vào hai rãnh nằm dưới hai cực từ khác tên nhau. Đầu và cuối của bin nối vào hai phiến góp nằm cạnh nhau (dây quấn xếp đơn) hoặc hai phiến góp cách xa nhau (dây quấn song đơn).

Muốn quấn lại phần ứng để máy làm việc tốt thì phải lấy mẫu cẩn thận, vẽ sơ đồ phải biết các bước sau (hình 8):

Hình 8 - a: Nguyên lý dây quấn xếp; b: Dây quấn sóng
Hình 8 – a: Nguyên lý dây quấn xếp; b: Dây quấn sóng
  • Bước quấn dây (y1)

y1 = (z/2p) ± Ɛ

Z: tổng số rãnh

2p: số đôi cực

Ɛ là số gia, phải thêm hoặc bớt một trị số Ɛ nào đó để y1 là số nguyên.

Thường dây quấn bước ngắn lấy dấu (-), tuy sức điện động sinh ra nhỏ hơn bước dù một ít nhưng tiết kiệm được dây, máy chạy tốt hơn.

  • Bước thứ hai

y2 là khoảng cách giữa cạnh tác dụng thứ hai của bin thứ nhất và cạnh thứ nhất của bin thứ hai tiếp theo sau nó.

  • Bước tổng hợp

y là khoảng cách (tính bằng rãnh) giữa 2 cạnh tương ứng của hai bin liên tiếp

  • Bước trên cổ góp

yk là khoảng cách giữa hai phiến góp của một bin.

Máy điện một chiều thường có hai kiểu quấn dây, chủ yếu là dây quấn xếp và dây quấn sóng. Cả hai kiểu quấn dây này đều lồng bin vào rãnh theo hai lớp giống nhau, chúng chỉ khác nhau ở cách nối dây ra cổ góp điện.

1. Dây quấn xếp (đầu, cuối bin nằm cạnh nhau)

Kiểu quấn này có đặc điểm là khi lần theo bin dây, bắt đầu từ phiến góp số 1 đi hết bin dây, sẽ đến phiến góp số 2 nằm cạnh phiến góp số 1 về bên phải (hoặc bên trái, ít dùng). Bin dây tiếp theo sẽ bắt đầu từ phiến góp số 2 và kết thúc ở phiến góp số 3,… mà ta biết rằng, ở dây quấn xếp thì bước thứ hai y2 tiếng hành trên mặt phần ứng ngược chiều với bước thứ nhất nên có:

y1 – y2 = y = yk

Bước trên cổ góp: yk = ± m      (1 – 2)

Nếu m = 1 sẽ có dây quấn xếp đơn giản

m ≥ 2 là dây quấn xếp phức tạp (ít dùng)

Dấu (-) ứng với kiểu nối dây chéo trên cổ góp, ít gặp mà tốn nhiều dây, khó lót cách điện khi nối dây ra cổ góp.

Ví dụ về dây quấn xếp đơn:

  • Vẽ sơ đồ quấn rôto máy điện: z = 10 rãnh; k = 10 phiến

2p = 4; Quấn phải, bước ngắn.

Theo công thức 1 – 1 thì bước quấn dây:

y1 = 10/4 – 2/4 = 2

Bước trên cổ góp theo công thức 1 – 2 sẽ là:

y = yk = 1 (xếp đơn)

  • Bước thứ hai: y2 = y1 – y = 2 – 1 = 1
Sơ đồ khai triển dây quấn phần ứng
Hình 9: Sơ đồ khai triển dây quấn phần ứng

Từ sơ đồ hính 9 ta thấy rõ đây là dây quấn xếp đơn vì cạnh đầu và cạnh cuối của một bin dây được nối chụm với hai phiến góp nằm cạnh nhau (từ tâm bin dây dóng xuống cổ góp sẽ gặp miếng mica là ranh giới giữa hai phiến góp này). Các bin của cả bộ dây được đấu nối tiếp với nhau “đầu nọ cuối kia”, qua các phiến góp, đến cạnh cuối của bin dây, cuối cùng được nối vào cạnh đầu của bin dây thứ nhất, tạo thành bộ dây khép kín.

Trong máy điện một chiều có dây quấn xếp đơn thì số đôi mạch nhánh a bằng số đôi cực p của nó. Muốn tăng số nhánh song song thì phần ứng sử dụng kiểu dây quấn xếp phức tạp.

 

Xem thêm: các hãng máy bơm nước uy tín trên thị trường

 

2. Dây quấn sóng (đầu, cuối bin nằm choãi xa nhau)

Kiểu quấn này có đặc điểm là khi lần theo bin dây, phải đi một vòng quanh phần ứng rồi mới trở về được phiến góp nằm bên phải hoặc bên trái cạnh phiến xuất phát. Bởi vậy, nếu máy có p đôi cực và k phiến góp thì sau khi đi một vòng qua phần ứng p bin, trên cổ góp tương ứng dịch được Pyk phiến góp nên Pyk = k ± m

yk = (k ± m)/p          (1 – 3)

Kết quả tính được phải quy về số nguyên, còn ý nghĩa của dấu (±) và m như ở dây quấn xếp.

  • Bước tổng hợp sẽ là :

y = y1 + y2

  • Khác với dây quấn xếp, ở dây quấn sóng thì bước thứ hai y2 tiến hành trên phần ứng, cùng chiều với bước thứ nhất, nên ta có :

y1 + y2 = y = yk                        (1 – 4)

Ví dụ về dây quấn sóng :

  • Vẽ sơ đồ quấn roto máy điện :

z = 15 rãnh, k = 15 phiến.

2p = 4 ; Quấn trái, bước ngắn.

  • Theo công thức 1 -1 thì bước quấn dây :

y1 = 15/4 – 3/4 = 3

  • Bước trên cổ góp theo công thức 1 – 3 sẽ là :

yk = y = (15 – 1)/2 = 7

  • Bước thứ hai : y2 = y – y1 = 7 -3 = 4

Từ sơ đồ hình 10 ta thấy, cuộn dây hình sóng thì đầu và cuối của 1 bin nối ra cổ góp nằm choãi ra hai phía, cách nhau một bước cực.

Lúc quấn dây cạnh thứ nhất của bin số 1 đặt trong rãnh số 1, còn cạnh thứ hai đặt trong rãnh số 4 (y1 + 1). Từ tâm của bin dóng thẳng xuống cổ góp sẽ gặp một phiến góp, đếm sang trái một bước cực, nối dây đầu của bin này vào phiến góp và đánh số 1. Từ phiến này, đánh số thứ tự đến số 15 vào các phiến góp còn lại (từ trái sang phải) để sau đó dây cuối của bin số 1 nối vào phiến góp số 8 (yk + 1).

Tiếp đến bin số 2 : cạnh thứ nhất đặt trong rãnh số 2, còn cạnh thứ hai đặt vào rãnh số 5. Dây đầu của cuộn này nối ngay xuống phiến góp số 2, còn dây cuối thì sẽ nối vào phiến góp số 9.

Khi thực hành, phải quấn đủ 15 cuộn dây và nối 15 đầu dây đầu xuống 15 phiến góp trước theo trình tự : trên roto quấn tiến lên 1 rãnh thì dưới cổ góp cũng nối tiến lên 1 phiến góp. Sau khi quấn xong các bin rồi mới nối 15 đầu dây cuối xuống cổ góp, cũng theo trình tự trên.

Sơ đồ khai triển dây quấn sóng đơn phần ứng
Hình 10: Sơ đồ khai triển dây quấn sóng đơn phần ứng

3. Dây quấn sóng phức tạp, dây quấn hỗn hợp và dây cân bằng

Những máy điện 1 chiều nhiều cực, điện áp cao còn sử dụng dây quấn sóng phức tạp. Mỗi vòng quanh phần ứng của dây quấn sóng phức tạp không kết thúc ở phiến góp cạnh phiến xuất phát như dây quấn sóng đơn mà có bao nhiêu dây đơn thì cách từng ấy phiến góp.

Thường có từ 2 đến 3 mạch kín trở lên dùng để tăng số nhánh song song cho dây quấn phần ứng. Nhìn kích thước viên than có thể phân biệt dễ dàng :

  • Dây quấn sóng đơn thì viên than chỉ nằm kín một phiến góp.
  • Dây quấn sóng phức tạp thì viên than rộng, nằm kín lên nhiều phiến góp.

Ở một vài máy điện một chiều đặc biệt, cần có đặc tính làm việc chất lượng cao, khả năng đổi chiều tốt thì sử dụng kiểu dây quấn hỗn hợp. Thực chất đây là một máy mà ở phần ứng có cả hai loại dây quấn : dây quấn xếp phức tạp và dây quấn sóng phức tạp, quấn đè lên nhau rồi cùng nối ra cổ góp điện. Kiểu dây quấn này phức tạp, khó sửa chữa và ít dùng nên không giới thiệu tỉ mỉ ở đây.

Trong tất cả các kiểu dây quấn ở phần ứng, khi thực hiện mỗi bin phải có cùng cỡ dây, cùng số vòng và chiều dài, điện trở bằng nhau, nằm trong từ trường như nhau để cân bằng sức điện động và dòng điện trong các nhánh. Thực tế, dù đã đảm bảo các điều kiện này vẫn chưa thể đạt được các yêu cầu về đối xứng do từ thông phân bố không đều vì khe hở ở các cực không đều nhau do lắp ráp hoặc vòng bi bị mòn. Vật liệu làm chổi than, áp lực các viên than xuống cổ góp không đồng nhất,…nên ngay cả khi chạy không tải cũng xuất hiện dòng điện cân bằng làm tăng tổn thất dòng, giảm hiệu suất máy, làm cho việc chỉnh dây của cổ góp khó khăn nảy sinh tia lửa dưới các chổi than, nóng máy.

Để khắc phục nhược điểm này, trong những máy điều kiện làm việc nặng nề như động cơ kéo máy cán thép, máy phát điện một chiều lớn,… người ta thực hiện các dây nối ngay trong phần ứng. Những dây nối này thường đặt ở đầu cuộn dây phía cổ góp điện (đôi khi cũng lấy ở những cuộn dây phía cánh quạt) bắt buộc các dòng điện cân bằng, chỉ khép mạch trong dây quấn phần ứng không qua các chổi than.

Đó là các điểm đẳng thế, được nối lại với nhau gọi là dây nối cân bằng.

Sửa chữa và quấn lại phần ứng máy phát điện ô tô

1. Kiểm tra

Cuộn dây phần ứng có thể hỏng do các hiện tượng : đứt dây trong các rãnh hoặc đây nối ra cổ góp bị lỏng do vảy thiếc. Chập mạch trong cùng một rãnh hoặc giữa lớp trên với lớp dưới. Chập mạch giữa các phiến góp, giữa cổ góp với mát hoặc dây quấn phần ứng bị chạm mát.

Chạm mát, đứt dây thì kiểm tra được bằng đèn thử dễ dàng, còn chập mạch phải dùng “Rônha” thì mới phát hiện ra chỗ hỏng chính xác.

Ví dụ : cần kiểm tra rôto máy phát điện P 16 lắp trên xe Din : P = 210W ; U = 6V ; I = 35A ; Z = 14 ; K = 28 ; 2p = 2.

  • Dùng đèn thử dí vào các phiến góp và lõi sắt phần ứng, nếu bóng đèn không sáng là rôto không bị chạm mát. Cũng lấy hai dây đèn thử dí lần lượt và từng đôi phiến góp cạnh nhau theo toàn bộ chu vi phần ứng, thấy bóng đèn vẫn sáng có nghĩa là dây quấn không bị đứt.
  • Thử chập mạch : đặt phần ứng lên miệng Rônha rồi cấp điện xoay chiều vào máy thử, nếu trong rãnh nào có cuộn dây bị chập mạch thì sẽ có dòng điện cảm ứng chạy qua, từ đó tạo nên một từ trường biến đổi trên miệng rãnh, làm cho lưỡi cưa thử đặt trên đó bị hút rung lên. Ở đây bước quấn dây y1 = 6 (bin nằm từ rãnh 1 đến rãnh 7).
  • Kiểm tra có 4 rãnh : số 1 – 4 – 7 và 10 đặt lưỡi cưa bị hút mạnh, vậy rôto bị chập mạch tới 2 bin (bin quấn từ rãnh 1 đến rãnh 7 và bin quấn từ rãnh 4 đến rãnh 10 đều bị chập).
  • Trường hợp kiểm tra mà chỉ có 3 rãnh bị hút thì rõ ràng là bị chập mạch giữa bin nằm trên với bin nằm dưới trong cùng một rãnh.
  • Nếu khi thử thấy tất cả các rãnh đều bị hút chặt lưỡi cưa là phần ứng đã bị chập mạch toàn bộ, phải tháo dây ra, quấn lại cả rôto.

2. Lấy mẫu và vẽ sơ đồ

Đây là máy phát điện một chiều có phần ứng quấn dây kiểu xếp (bước ngắn) (hình 11). Vậy theo công thức 1 – 1 thì bước quấn dây là :

y1 = z/2p – 1 = 14/2 – 2/2 = 6

Bước trên cổ góp (quấn xếp đơn giản) yk = 1.

Những tính toán trên đây chỉ là cơ sở, còn lúc thực hành phải lấy mẫu thật để vẽ sơ đồ.

  • Cỡ dây đo ở phần ứng là d = 1,56mm.
  • Tổng số sợi dây trong 1 rãnh n = 12.
  • Số phiến góp k = 28 gấp 2 số rãnh (k/z = 2)
  • Vậy phải quấn 28 bin, mỗi bin 3 vòng (12/4 = 3)

Căn cứ vào bin quấn sau cùng (nằm ở lượt trên) đếm được bước quấn từ rãnh số 1 đến rãnh số 7 (y1 = 6); lấy dùi thép nhọn vạch hai dấu (x x) vào hai rãnh này. Sau đó, lần theo hai dây từ rãnh đã vạch dấu, xem chúng nối ra phiến góp nào thì cũng vạch dấu (x.) vào các phiến góp đó để khi lấy dây mới quấn lại nối đúng như nguyên bản (hình 11).

3. Thực hành dỡ dây hỏng, quấn lại dây mới

Dùng tua vít bẩy các đầu dây ra khỏi mối hàn trên các phiến góp (nếu cần phải làm nóng cổ góp lên) để dỡ hết dây cũ ra; làm sạch các rãnh của phần ứng – kiểm tra cổ góp, nó phải tròn và nhẵn; không được chạm mát, các phiến góp không được chạm nhau. Lấy mũi dao nhọn làm sạch bụi bẩn giữa hai phiến góp; tất cả các rãnh mica phải thấp hơn mặt cổ góp 1 ~ 1,5mm.

Đặt các rãnh lót bằng bìa cách điện dày 0,25mm nằm khít vào trong rãnh; hai đầu bìa được gấp mép, chiều cao của bìa phải lấy cao lên trên mặt rãnh khoảng 10 mm.

Sơ đồ quấn dây phần ứng máy phát điện I'16 (quấn xếp)
Hình 11: Sơ đồ quấn dây phần ứng máy phát điện I’16 (quấn xếp)

Phần ứng được quấn tay: cắt hai đoạn dây Π Э B – 2 d = 1,56mm, dài đủ để quấn được 3 vòng (6 sợi), cạo sạch men đầu dây để dóng xuống hai phiến góp đã vạch dấu (x.) rồi đặt cả hai sợi vào rãnh osos 1 (có dấu x.) quấn sang rãnh số 7 đủ 3 vòng. Lấy một đoạn tre vót nhẵn chèn tạm vào hai rãnh đã quấn, hai đầu dây cuối nằm ở rãnh số 7 để tự do, nằm chờ được vật ra phía sau.

Đến bin tiếp theo lại cắt hai đoạn dây cạo sạch men hai đầu dây trong để dóng xuống hai phiến góp bên cạnh (quấn về phía nào thì lùi dây nối xuống cổ góp điện về phía ấy). Quấn đủ 3 vòng từ rãnh số 2 sang rãnh số 8, hai đầu dây cuối của bin này nằm ở rãnh số 8 cũng để nằm chờ như trên.

Cứ quấn như vậy (2 bin một lúc) cho đến rãnh cuối cùng đủ một vòng trên roto. Quấn được rãnh nào hoàn chỉnh thì gấp phần dư của nó xuống nằm kín rãnh, rồi chèn nêm tre cho thật chặt.

Nối 28 đầu dây cuối (nằm chờ ở 13 rãnh) xuống cổ góp phải theo đúng tự tự: đầu tiên dóng hai dây cuối của bin thứ nhất xuống hai phiến góp đã đánh dấu (x.), tiếp tục nối hai dây cuối của bin thứ hai xuống hai phiến góp nằm cạnh theo quy luật: cứ trên roto tiến một rãnh thì dưới cổ góp lại tiến hai phiến. Cũng vì số phiến góp nhiều gấp hai lần số rãnh nên dễ bị chéo dây do mỗi rãnh có hai sợi ở lượt trên ( hai dây cuối).

Để khỏi nhầm, nên chọn dây điện từ cùng cỡ nhưng có hai màu mới dễ quấn, nếu chỉ có dây một màu thì trong một rãnh phải cắt một đoạn dây ngắn, một đoạn dây dài để đánh dấu rồi cùng quấn, khi dòng xuống cổ góp thì cứ một phiến dây ngắn rồi lại đến một phiến dây dài theo tuần tự cho đến hết.

Muốn cẩn thận thì dùng ôm kế để kiểm tra: một dây đồng hồ nối cố định vào phiến góp, đặt sợi dây đầu tiên (có đánh dấu x) vào dây kia của đồng hồ, tìm một trong hai dây ở rãnh 7; dây nào kim vọt lên thì nối xuống phiến góp đã đánh dấu (x.), dây còn lại ở rãnh số 7 nối xuống phiến góp bên cạnh. Sang rãnh số 8 cũng có hai dây: dây nào thử mà đồng hồ thông lại nối xuống phiến góp nằm cạnh… Tiếp tục như vậy cho đến sợi dây nằm chờ cuối cùng.

Sau đó hàn dây cổ góp cho thật ngắn, nhẵn bóng, không chảy thiếc sang phiến bên cạnh, thử dây quấn tiếp xúc tốt vào cổ góp, không chạm mát, đặt lên Rônha không bị chập dây.

Tiếp theo, lấy một sợi dây gai (hoặc dây sợi cotton), đầu gấp thành vòng khuyên A rồi quấn đè nhiều vòng đai chặt chẽ khoảng dây đã quấn; lồng dây cuối C vào rồi rút mạnh đầu B, mối quấn đai sẽ được tụ giữ rất chặt chẽ.

Cuối cùng đem roto đã quấn tẩm 2 lần sơn cách điện và sấy khô để hoàn chỉnh.

Đai chặt đầu của dây quấn
Hình 12: Đai chặt đầu của dây quấn

Quấn lại phần ứng máy điện một chiều (kiểu sóng)

1. Kiểm tra

Máy điện một chiều kích thích nối tiếp CT10 ~ CT15 dùng làm động cơ khởi động cho các ô tô Din, Gat,… trên trục phần ứng có rãnh xoắn đẻ lắp các bánh răng, cần kiểm tra các khớp hành trình, các con lăn xem có bị trượt, bị kẹt với bánh đà của máy nổ hay không? Kiểm tra thời điểm đóng mạch của role phải ăn khớp với hành trình của bánh răng,… Tóm lại,phải kiểm tra phần cơ nếu thấy tốt rồi mới sửa chữa phần điện.

Những hư hỏng về phần điện của động cơ khởi động và máy phát điện cũng tương tự như nhau nên cách kiểm tra, lấy mẫu cũng theo các phương pháp như ở phần 1 và 2 mục II. Trường hợp dây quấn đã cháy thường được tái sinh dể tận dụng nên khi tháo dây cũ phải khéo léo đẻ khỏi mất phom nguyên thủy, tránh phải làm lại khuôn tăng thêm sự phức tạp.

2. Vẽ sơ đồ

Động cơ CT10 có số liệu của phần ứng: (hình 13)

z = 23 rãnh; k = 23 phiến; 2p = 4;

  • Bước quấn: y1 từ 1 đến 7;
  • Bước trên cổ góp : yk từ 1 đến 13 ;
  • Dây quấn : dây dẹt cỡ 2,5 x 4,2 mm
  • Sơ đồ dây quấn sóng như hình 13.
  1. Thực hành quấn lại

Cách điện rãnh dùng bìa Э B dày 0,4 ÷ 0,5 mm, bìa phải được ép sát vào các góc của rãnh bằng một thanh tre đã vót nhẵn theo hình của rãnh. Chiều ngang của bìa phải cao hơn mặt rãnh, còn chiều dài phải thò ra khỏi rãnh, mỗi bên 10mm và được gấp mép (bìa ngắn quá dễ bị chạm mát, cắt bìa dài quá khi đặt dây dễ bị rách hai mép).

Đây là kiểu roto quấn dây theo khuôn khổ mỗi bin chỉ có một vòng dây gồm hai cạnh : một cạnh nằm phía dưới, còn cạnh kia ở lớp trên (số lớp dây trong một rãnh là 2). Mỗi rãnh có hai cạnh của hai bin dây khác nhau nên khi đặt các bin dây xuống rãnh phải cso 6 bin “chờ”.

Các dây đầu của từng bin thuộc lớp dưới được đặt vào phiến góp trước, đến khi hạ hoàn chỉnh các bin chờ xuống rãnh rồi mới đặt các dây cuối xuống cổ góp ở lớp trên, cụ thể như sau :

  • 23 sợi dây cỡ 2,5 x 4,2 được uốn nắn trên khuôn gỗ hoàn chỉnh giống hệt nhau.
  • Đầu tiên bin dây số 1 hạ nửa dưới xuống rãnh 7 và đặt dây đầu vào phiến góp số 13 đã đánh dấu (x), còn nửa trên có dây cuối vẫn để chờ ngoài rãnh (hình 13).
  • Bin dây số 2 tiếp tục hạ nửa dưới xuống rãnh số 8 và đặt dây đầu bin vào phiến góp bên cạnh số 14 ; nửa trên của bin số 2 cũng để nằm chờ ngoài rãnh.
  • Hạ đủ 6 bin chờ như trên đến bin số 7 thì lót một lớp cách điện 0,4mm rồi hạ nửa trên của bin số 7 xuống rãnh số 7 và nửa dưới của bin này xuống rãnh 13, dây đầu của bin vẫn đặt vào phiến góp theo tuần tự (phiến 19).
  • Từ đây, cứ lần lượt hạ được cả hai cạnh của bin xuống rãnh cho đủ 23 bin đến hết vòng tròn của phần ứng (nhớ lót cách điện giữa lớp trên và lớp dưới bin trong rãnh).
  • Cuối cùng, đóng tất cả các dây cuối vào các phiến góp cho chặt.

Sau khi đã dùng đèn thử kiểm tra các sợi đã quấn, không chạm mát, không chập với nhau (xem hình 2- 4) thì hàn dây ở cổ góp cho chắc chắn, đẹp, nhẵn bóng. Phải nêm chặt, đặt đai quanh rôto để chống lực ly tâm rồi mới tẩm sơn cách điện hoàn chỉnh.

Hình 13: Sơ đồ quấn dây phần ứng máy phát CT10 (phần ứng)

 

Hình 2 – 4: Kiểm tra sau khi quấn lại bằng đèn thử; L: dây lửa; O: dây nguội

Ý kiến bình luận



Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *