Các quy chuẩn của Bộ Tài Nguyên Môi Trường về xử lý nước thải

Các quy chuẩn về môi trường và xử lý nước thải

QCVN 14:2008/BTNMT

Trước thực trạng nước thải sinh hoạt phát sinh tràn lan, trong khi ý thức của con người về những hậu quả mà nước thải sinh hoạt gây ra lại chưa cao, cũng như để kiểm soát được tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải sinh hoạt gây ra. Ngày 31 tháng 12 năm 2008 Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quyết định số 16/2008/QĐ- BTNMT Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, có hiệu lực từ ngày 08 tháng 02 năm 2009. Kèm theo Quyết định là QCVN 14:2008/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nước thải sinh hoạt.

Quy chuẩn này quy định giá trị tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm trong nước thải sinh hoạt khi thải ra môi trường. Áp dụng đối với cơ sở công cộng, doanh trại lực lượng vũ trang, cơ sở dịch vụ, khu chung cư và khu dân cư, doanh nghiệp thải nước thải sinh hoạt ra môi trường. Quy chuẩn đưa ra chi tiết giá trị các thông số ô nhiễm làm cơ sở tính toán giá trị tối đa cho nước thải sinh hoạt. Giá trị tối đa cho phép được tính theo công thức Cmax= C x K. Bảng hệ số K sẽ tùy thuộc vào các loại hình cơ sở dịch vụ, cơ sở công cộng và chung cư. Phương pháp xác định giá trị các thông số ô nhiễm trong nước thải sinh hoạt thực hiện theo hướng dẫn của các tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn phân tích tương ứng của các tổ chức quốc tế.

 

QCVN 25:2009/BTNMT

Nước thải sinh ra từ đáy bãi chôn lấp  do sự rỉ rác thấm ướt của nước mưa thấm vào bên trong hay do sự ẩm ướt của rác thải được chôn. Loại nước thải này rất độc hại, chứa rất nhiều chất ô nhiễm như khí nitơ, amoniac, kim loại nặng, các vi trùng, vi khuẩn gây bệnh, BOD, COD hàm lượng cao… có khả năng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Vì vậy, rất cần thiết phải kiểm soát xử lý triệt để nước thải từ bãi chôn lấp trước khi thải ra môi trường. Ngày 16 tháng 11 năm 2009 Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 25/2009/TT-BTNMT Ban hành quy chuẩn quốc gia về môi trường. Kèm theo Thông tư này là QCVN 25:2009/BTNMT- Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nước thải của bãi chôn lấp chất thải rắn do Ban soạn thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biên soạn, Tổng cục Môi trường, Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Pháp chế trình duyệt.

Quy chuẩn này quy định giá trị tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm trong nước thải của bãi chôn lấp chất thải rắn khi thải ra môi trường, áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động chôn lấp chất thải rắn. Quy chuẩn nêu ra các thông số cần xác định trong nước thải chăn nuôi là BOD5 (200C), COD, Tổng Nitơ, Amoni (tính theo N). Ngoài 04 thông số quy định tại Bảng 1, tùy theo yêu cầu và mục đích kiểm soát ô nhiễm,  giá  trị  của các  thông  số ô  nhiễm  khác  áp  dụng theo quy định  của QCVN 24:2009/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp nhưng không áp dụng hệ số lưu lượng/dung tích nguồn tiếp nhận nước thải và hệ số theo lưu lượng nguồn thải để tính giá trị tối đa các thông số ô nhiễm trong nước thải của bãi chôn lấp chất thải rắn. Các phương pháp để xác định nồng độ các thông số ô nhiễm trong nước thải bãi chôn lấp chất thải rắn quy định trong Quy chuẩn này thực hiện theo các tiêu chuẩn quốc gia.

 

QCVN 28:2010/BTNMT

Nước thải phát sinh tại các cơ sở y tế là loại nước thải ô nhiễm có tính chất đặc thù. Do đó, nếu không được thu gom, xử lý đảm bảo các quy chuẩn hiện hành trước khi thải ra môi trường có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái các nguồn nước tiếp nhận, ảnh hưởng đến chất lượng môi trường đất và có thể phát tán các dịch bệnh trong cộng đồng. QCVN 28:2010/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xử lý nước thải y tế được ban hành để kiểm soát chất lượng nước thải y tế khi ra ngoài môi trường tiếp nhận. Quy chuẩn do Ban soạn thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải y tế biên soạn, Tổng cục Môi trường, Vụ Khoa học và Công nghệ và Vụ Pháp chế trình duyệt  và được ban  hành  theo  Thông tư số 39/2010/TT-BTNMT ngày 16 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Quy chuẩn này quy định giá trị tối đa cho phép của các thông số và các chất ô gây nhiễm trong nước thải y tế của các cơ sở khám, chữa bệnh. Nước thải y tế phải được xử lý và khử trùng trước khi thải ra môi trường (sử dụng máy bơm định lượng hóa chất để bơm hóa chất khử trùng). Giá trị tối đa (Cmax) cho phép của các thông số và các chất gây ô nhiễm trong nước thải y tế khi thải ra nguồn tiếp nhận được tính như sau: Cmax = C x K. Trong quy chuẩn này, có 15 thông số cần được xác định trong nướcthải y tế (pH, BOD5 (20℃), COD, Tổng chất rắn lơ lửng (TSS), Sunfua (tính theo H2S), Amoni (tính theo N), Nitrat (tính theo N), Phosphat (tính theo P), Dầu mỡ động thực vật, Tổng hoạt độ phóng xạ α, Tổng hoạt độ phóng xạ β, Tổng coliforms MPN/ 100ml, Salmonella Vi khuẩn/ 100 ml KPH KPH, Shigella Vi khuẩn/ 100ml KPH KPH, 15 Vibrio cholera.  Phương pháp xác định được thực hiện theo các tiêu chuẩn tương ứng với các thông số trên.

 

QCVN 29:2010/BTNMT

Vấn đề ô nhiễm môi trường do không xử lý nước thải nhiễm dầu gây ra đang là mối quan tâm hàng đầu của nhiều quốc gia, nhất là những nước có nền công nghiệp dầu khí phát triển. Việt Nam cũng là một nước xuất khẩu dầu thô và vấn đề ô nhiễm do dầu gây ra là không thể tránh khỏi. Các vụ rò rỉ và tràn dầu đã gây ra nhiều sự cố nghiêm trọng về môi trường và kinh tế. QCVN 29:2010/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải của kho và cửa hàng xăng dầu được ban hành để giải quyết lượng nước thải nhiễm xăng dầu. Quy chuẩn do Ban soạn thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biên soạn, Tổng cục Môi trường, Vụ Khoa học và Công nghệ và Vụ Pháp chế trình duyệt và được ban hành theo Thông tư số 39/2010/TT-BTNMT ngày 16 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Quy chuẩn này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động thải nước thải ra môi trường từ kho xăng dầu và cửa hàng xăng dầu trong hoạt động kinh doanh; các kho xăng dầu dự trữ quốc gia và các kho xăng dầu phục vụ an ninh quốc phòng. Nước thải của  kho  xăng dầu nằm trong các cơ sở sản xuất áp dụng theo QCVN 24:2009/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp. Quy chuẩn quy định kỹ thuật giá trị tối đa cho phép đối với các thông số pH, TSS, COD, Dầu mỡ khoáng (Tổng Hydrocacbon). Phương pháp xác định các thông số ô nhiễm trong nước thải kho xăng dầu thực hiện theo các tiêu chuẩn chất lượng nước, tiêu chuẩn xác đinh từng thông số ô nhiễm quy định.

 

QCVN 35:2010/BTNMT

Khai thác dầu mỏ mang lợi ích rất lớn nhưng hiện nay, vấn đề ô nhiễm dầu ở biển đang là vấn đề đáng lo ngại. Ô nhiễm dầu thường xảy ra trong các hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, phân phối và tàng trữ dầu khí. Việc giám sát ô nhiễm dầu trên biển có ý nghĩa quan trọng trên nhiều góc độ môi trường và kinh tế xã hội. Do đó QCVN 35:2010/BTNMT- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước khai thác thải từ các công trình dầu khí trên biển được ban hành do Ban soạn thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biên soạn, Tổng cục Môi trường, Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Pháp chế trình duyệt và được ban hành theo Thông tư số 42/2010/TT-BTNMT ngày 29 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Quy chuẩn quy định giá trị tối đa cho phép của hàm lượng dầu trong nước khai thác khi thải xuống biển. Áp dụng đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động thải nước khai thác từ các hoạt động khai thác dầu khí xuống vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Quy chuẩn quy định bốn ví trí thải như sau: Cách ranh giới khu vực nuôi trồng thủy sản, bảo vệ thuỷ sinh, vui chơi giải trí dưới nước nhỏ hơn 01 (một) hải lý; Cách bờ nhỏ hơn 03 (ba) hải lý; Cách bờ từ 03 (ba) đến 12 (mười hai) hải lý; Cách bờ lớn hơn 12 (mười hai) hải lý tương ứng với giới hạn thải trung bình ngày là 5, 10, 15,và 40. Phương pháp xác định hàm lượng dầu trong nước khai thác được quy chuẩn quy định   thực hiện theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5070:1995 – Chất lượng nước – Phương pháp khối lượng xác định dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ.

 

QCVN 40:2011/BTNMT

Ngành công nghiệp với đa dạng các loại hình sản xuất kinh doanh, đồng nghĩa với việc cũng có đa dạng các loại nước thải công nghiệp được thải ra hàng ngày. Mỗi loại nước thải của mỗi ngành công nghiệp có một đặc tính riêng, một số thành phần không những khó xử lý mà còn độc hại đối với con người và môi trường sinh thái. Do đó, QCVN 40:2011/BTNMT- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy trình xử lý nước thải công nghiệp được ban hành quy định chi tiết các thông số ô nhiễm cho nước thải công nghiệp. Quy chuẩn do Ban soạn thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biên soạn thay thế QCVN 24:2009/BTNMT, Tổng cục Môi trường, Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Pháp chế trình duyệt và được ban hành theo Thông tư số 47/2011/TT-BTNMT ngày 28 tháng 12 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

QCVN 40:2011/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp có những điểm thay đổi so với QCVN 24:2009/BTNMT  như sau: Thay đổi thông số Độ màu, COD, Dầu mỡ khoáng, Clorua, Tổng hóa chất bảo vệ thực vật clo hữu cơ, Tổng nitơ; Bỏ giới hạn đối với thông số Mùi, Thiếc, Dầu mỡ động thực vật. Giá trị tối đa cho phép cảu các thông số ô nhiễm được quy định chi tiết trong quy chuẩn này. Các hệ số về lưu lượng nguồn tiếp nhận nước thải và lưu lượng nguồn thải ccungx được quy chuẩn nêu rõ. Phương pháp xác định các thông số ô nhiễm cho nước thải công nghiệp thực hiện theo các tiêu chuẩn xác định hiện hành.

 

QCVN 01:MT:2015/BTNMT

Ngày nay công nghiệp  cao su được coi là công nghiệp  vàng trắng. Tuy việc phát triển kinh tế cây cao su có từ rất sớm nhưng vấn đề môi trường do sản xuất và sơ chế mủ cao su (làm găng tay cao su latex, nệm,…) cũng đáng lo ngại. Nước thải sinh ra do hoạt động sơ chế cao su thải trực tiếp ra môi trường, điều này làm thất thoát một lượng lớn mủ cao su và làm ảnh hưởng lớn đến môi trường. Trước tình hình ô nhiễm môi trường do việc sản xuất cao su gây ra, Thông tư số 11/2015/TT-BTNMT ngày 31/3/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường được ban hành kèm QCVN 01-MT:2015/BTNMT– Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sơ chế cao su thiên nhiên có hiệu lực từ ngày 01/6/2015 và thay thế cho Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01:2008/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật  quốc gia về nước thải  công nghiệp chế biến cao su thiên nhiên (18/7/2008).

Điểm đáng chú ý của quy chuẩn này so với quy chuẩn 01:2008/BTNMT là cho phép sử dụng nước thải của các cơ sở sơ chế cao su thiên nhiên được tái sử dụng để tưới cây khi đáp ứng các yêu cầu sau: Giá trị tối đa cho phép các thông số pH, BOD5 và COD đạt yêu cầu quy định tại cột B Bảng 1 (Kq=1; Kf =1); Nước thải sau xử lý phải được thu gom (bằng máy bơm chìm nước thải) lại trong hồ chứa dành riêng cho mục đích tưới cây, Chỉ được phép tưới cây trong phạm vi thuộc quyền sử dụng của doanh nghiệp phát sinh nước thải Nước thải sau xử lý phải được thu gom lại trong hồ chứa dành riêng cho mục đích tưới cây. Hồ chứa phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường.

 

QCVN 11:MT:2015/BTNMT

Ngành công nghiệp chế biến thủy hải sản đem lại những lợi nhuận không nhỏ cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và người dân nuôi trồng thủy hải sản nói riêng. Nhưng bên cạnh những lợi ích mà nó mang lại thì nó cũng để lại những hậu quả thật khó lường đối với môi trường sống của chúng ta. Năm 2015, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ra Thông tư số 77/2015/TT-BTNMT ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 01/3/2016, ban hành kèm theo thông tư này là quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường QCVN 11-MT:2015/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy trình xử lý nước thải hải sản, chế biến thủy sản. QCVN 11-MT:2015/BTNMT do Tổ soạn thảo quy chuẩn  kỹ thuật  quốc gia về nước thải  chế biến  thủy sản  biên soạn,  sửa đổi QCVN 11:2008/BTNMT, Tổng cục Môi trường, Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Pháp chế trình duyệt.

Quy chuẩn này ban hành với các thông số: pH, BOD5, COD, tổng chất rắn lơ lửng (TSS), tổng phốt pho (tính theo P); Amoni (NH3+ tính theo N), tổng nitơ, tổng dầu mỡ động thực vật, clo dư và tổng coliforms…. Theo đó, QCVN11:2015/BTNMT  đã nới rộng hơn đối với thông số phốt pho từ 4mg/l lên 10mg/ (cột A) và từ 6mg/l lên 20mg/l (cột B); COD từ 50mg/l lên 75mg/l (cột A) và từ 80mg/l lên 150mg/l (cột B), còn các thông số khác thì được giữ nguyên so với quy định theo QCVN 11:2008/BTNMT.

 

QCVN 12:MT:2015/BTNMT

Công nghiệp sản xuất bột giấy và giấy chiếm vị trí khá quan trọng trong nền kinh tế nước ta. Cùng với sự phát triển của các ngành công nghiệp – dịch vụ khác, nhu cầu sử dụng giấy ngày càng tăng. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích đạt được về kinh tế – xã hội, ngành công nghiệp bột giấy và giấy cũng phát sinh nhiều vấn đề môi trường đáng quan tâm cần phải giải quyết, đặc biệt là nước thải phát sinh trong quá trình sản xuất giấy và bột giấy. Các thông số ô nhiễm nước thải công nghiệp giấy được quy định chi tiết tại QCVN 12-MT:2015/BTNMT do Tổ soạn thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp giấy và bột giấy biên soạn, sửa đổi QCVN 12:2008/BTNMT, Tổng cục Môi trường, Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Pháp chế trình duyệt và được ban hành theo Thông tư số 12/2015/TT-BTNM.

Nước thải công nghiệp giấy và bột giấy là nước thải công nghiệp phát sinh từ nhà máy, cơ sở sử dụng các quy trình công nghệ sản xuất ra các sản phẩm giấy và bột giấy. Quy chuẩn quy định 12 giá trị tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm trong nước thải công nghiệp giấy và bột giấy khi xả ra nguồn tiếp nhận nước thải. Quy chuẩn áp dụng riêng cho xử lý nước thải công nghiệp giấy và bột giấy. Mọi tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động xả nước thải công nghiệp giấy và bột giấy ra nguồn tiếp nhận nước thải tuân thủ quy định tại quy chuẩn này.

 

QCVN 13:MT:2015/BTNMT

Phân tích nước thải dệt nhuộm nhằm có các phương pháp xử lý nước thải dệt nhuộm để loại bỏ các tác hại của loại nước thải này. Để nắm được tính chất của nước thải dệt nhuộm mà có phương pháp xử lý nước thải dệt nhuộm một cách hiệu quả mà vẫn đảm bảo an toàn cho môi trường xung quanh. Năm 2015 Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 13/2015/TT-BTNMT kèm theo là QCVN 13-MT:2015/BTNMTQuy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp dệt nhuộm và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 6 năm 2015. Quy chuẩn này sửa đổi QCVN 13:2008/BTNMT do Tổ soạn thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp dệt nhuộm biên soạn, Tổng cục Môi trường, Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Pháp chế trình duyệt.

Quy chuẩn này quy định giá trị tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm trong nước thải công nghiệp dệt nhuộm khi xả ra nguồn tiếp nhận nước thải. Theo đó mọi tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động xả nước thải công nghiệp dệt nhuộm ra nguồn tiếp nhận nước thải tuân thủ quy định tại quy chuẩn này. Và nguồn tiếp nhận nước thải là hệ thống thoát nước đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; sông, suối, khe, rạch, kênh, mương; hồ, ao, đầm; vùng nước biển ven bờ có mục đích sử dụng xác định.

 

QCVN 62:MT:2016/BTNMT

QCVN 62-MT:2016/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy trình xử lý nước thải chăn nuôi gia súc có hiệu lực thi hành từ ngày 15/06/2016 do Tổ soạn thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi biên soạn, Tổng cục Môi trường, Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Pháp chế trình duyệt và được ban hành theo Thông tư số 04/2016/TT-BTNMT.

Quy chuẩn này quy định giá trị tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm trong nước thải chăn nuôi khi xả ra nguồn tiếp nhận nước thải. Đối với cơ sở chăn nuôi có tổng lượng nước thải lớn hơn hoặc bằng 5 mét khối trên ngày (m3/ngày), quy chuẩn đưa ra cách tính giá trị tối đa cho phép và các giá trị làm cơ sở để tính giá trị tối đa cho phép. Các thông số ô nhiễm được xác định trong nước thải chăn nuôi là pH, BOD5, COD, tổng chất rắn lơ lửng, tổng Nitơ(theo N), tổng Coliform. Hệ số lưu lượng dòng chảy của nguồn tiếp nhận nước thải chăn nuôi được nêu chi tiết ở quy chuẩn này. Khi lưu lượng nguồn thải  thay đổi, không còn phù hợp với giá trị hệ số đang áp dụng, cơ sở chăn nuôi phải báo cáo với cơ quan có thẩm quyền để điều chỉnh. Đối với cơ sở chăn nuôi có tổng lượng nước thải nhỏ hơn 5 mét khối trên ngày (m3/ngày), cơ sở chăn nuôi phải có hệ thống thu gom, hệ thống xử lý nước thải, hệ thống lắng, ủ hợp vệ sinh. Phương pháp lấy mẫu và xác định giá trị các thông số ô nhiễm trong nước thải chăn nuôi thực hiện theo các tiêu chuẩn quốc tế.

 

QCVN 52:2017/BTNMT

Các ngành công nghiệp sản xuất đang dần phát triển mạnh và ngày càng có nhiều cơ sở hoạt động sản xuất hơn, trong đó ngành công nghiệp sản xuất thép phát triển khá mạnh và đem lại lợi ích to lớn cho kinh tế đất nước, đồng thời nước thải từ ngành sản xuất thép cũng trở thành vấn đề được nhà nước và người dân quan tâm. Tính kim loại trong nước thải có thể làm chết hàng loạt động vật thủy sinh cũng như gây bệnh nguy hiểm cho con người khi  thải  trực  tiếp  ra  nguồn  tiếp  nhận.  Trước hiện  trạng  như vậy,  QCVN 52:2017/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nước thải công nghiệp sản xuất thép được ban hành theo Thông tư số 78/2017/TT-BTNMT.

So với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với nước thải và khí thải công nghiệp sản xuất thép năm 2013 (QCVN 52:2013) thì quy chuẩn này có quy định chặt chẽ hơn, ngưỡng áp dụng cao, số lượng thông số cũng nhiều hơn. Cụ thể, trước đây chỉ có 12 thông số nhưng nay có 27 thông số ô nhiễm trong nước thải Khu liên hợp sản xuất gang thép và Cơ sở luyện cán thép để làm cơ sở tính giá trị tối đa cho phép. Quy chuẩn nhấn mạnh cho nước thải công nghiệp sản xuất thép mà không trộn lẫn các loại nước thải khác.

Mọi tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động xả nước thải công nghiệp sản xuất thép ra nguồn tiếp nhận nước thải tuân thủ quy định tại quy chuẩn này.

Ý kiến bình luận



Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *