Động cơ không đồng bộ 3 pha là thiết bị được sử dụng rất nhiều trong công nghiệp chẳng hạn như các loại động cơ bơm nước 3 pha, motor điện, máy phát điện,…Tuy nhiên mỗi khi máy gặp sự cố việc thay thế động cơ mới tốn kém, nhiều người đã chọn việc quấn lại motor để tiết kiệm hơn. Việc quấn lại động cơ là chuyện rất bình thường, tuy nhiên để quấn lại động cơ sao cho đúng là cả một vấn đề, do đó hôm nay Máy Bơm Nước Thuận Phú Group xin chia sẻ đến các bạn bài viết hướng dẫn cách quấn động cơ không đồng bộ ba pha (phần 1), các bạn xem tiếp phần 2 tại đây:
Khái quát về động cơ điện không đồng bộ
Hiện nay động cơ điện bơm ly tâm Pentax Ý không đồng bộ 3 pha được dùng rộng rãi trong các ngành công nghiệp vì cấu tạo đơn giản, giá thành rẻ, hiệu suất cao, dễ sử dụng và bảo dưỡng, vận hành bền, tốt.
Xem thêm:
Thường có hai loại chủ yếu:
- Động cơ rô to quấn dây kiểu thông dụng, mang ký hiệu AK (từ cỡ 5 đến cỡ 9) và ký hiệu MTK, MTB chuyên dùng cho máy trục.
- Động cơ rô to lồng sóc thuộc dãy thống nhất thông dụng mang ký hiệu DK của Việt Nam (Điện cơ Hà Nội và Điện khí Hải Phòng sản xuất); A và AO từ cỡ 3 đến cỡ 9 do Liên Xô cũ chế tạo (hình 3-1b).
Xem thêm: Cách quấn máy điện xoay chiều
Trên cơ sở loại động cơ thuộc dãy thống nhất AO người ta cải tiến chế tạo những loại động cơ chuyên dùng như:
- Động cơ không đồng bộ có mômen mở máy tăng cường ký hiệu AOΠ (từ cỡ 4 đến cỡ 9) dùng cho thiết bị có tải nặng lúc mở máy.
- Động cơ AOC có hệ số trượt nâng cao để kéo các máy có tải kiểu xung không đều, hay thay đổi chiều quay.
- Động cơ có tốc độ đều, ký hiệu AOT (từ cỡ 4 đến cỡ 7) sử dụng cho công nghiệp dệt…
Ngoài những động cơ bơm nước Ebara rô to lồng sóc bình thường dòng điện khởi động rất cao (Ikđ) gấp từ 5 ~ 7 lần dòng điện định mức (Iđm), , mômen khởi động (Mkđ) chỉ từ 0,8 ~ 1,2 mômen định mức (Mđm), lại có rô to lồng sóc rãnh sâu, rô to lồng sóc kép để cải thiện đặc tính mở máy, dòng điện mở máy thấp mà mômen khởi động lại cao.
Động cơ lồng sóc kép thì Ikđ/Iđm chỉ gấp từ 3,3 đến 5,5 lần; động cơ rãnh sâu thì ikđ/Iđm = 4 đến 5,5 lần mà mômen khởi động đạt từ 1,5 đến 2 lần mômen định mức.
Đọc nhãn gắn trên động cơ ta có thể biết được một số tính năng.
Ví dụ:
Động cơ DK 31-4 do Việt Nam sản xuất (tương đương AO) là động cơ không đồng bộ 3 pha vỏ gang (nếu vỏ nhôm thêm chữ ƛ) kiểu kín, cánh quạt thổi gió ngoài vỏ, cỡ 3 chiều dài thứ nhất, có 4 cực (1500 vòng/phút).
Với những động cơ có hai hoặc nhiều tốc độ, trên nhãn sau phần ký hiệu có viết thêm chữ số chỉ số cực cách nhau bằng gạch chéo.
Ví dụ:
AO2 – 41 – 8/4 là động cơ không đồng bộ 3 pha, cải tiến lần thứ 2, cỡ 4 có 2 tốc độ: 750 vòng/phút và 1500 vòng/phút ứng với 8 cực và 4 cực.
Ngoài những động cơ thông dụng kiểu cũ A (vỏ bảo vệ) và AO (vỏ kín thổi gió ngoài) có 7 cỡ vỏ, chiều cao tâm từ 100 ~ 335 mm, công suất từ 0,6 đến 100 kW. Người ta đã cải tiến lần thứ hai A2 và AO2 với 18 cấp công suất trọng lượng động cơ nhẹ hơn, nhỏ, thấp và dài ra (chiều cao tâm 90 ~ 280mm).
Động cơ cải tiến kiểu mới 4A cách điện cấp B và cấp F, chịu nhiệt cao, nhẹ nhàng và còn thấp hơn nữa, chiều cao tâm chỉ cso 50 ~ 250mm với 9 cỡ vỏ, số cấp công suất là 29, từ 0,12 ~ 400 kW.
Vỏ cũng có nhiều chủng loại cho phù hợp với từng yêu cầu như: động cơ kiểu hở, kiểu vỏ kín, kiểu bảo vệ, phòng nước, động cơ kiểu vỏ chống nổ chuyên dùng ở mỏ,…
Cấu tạo và nguyên lý hoạt động của động cơ không đồng bộ
Cấu tạo và nguyên lý làm việc
Quấn lại động cơ điện không đúng thì từ trường quay do các cuộn dây stato sinh ra sẽ không thành hình Sin làm cho mômen khởi động, mômen làm việc kém đi, tốn nhiều điện năng mà động cơ lại nóng hơn, hiệu suất làm việc của nó giảm xuống. Vậy cần phân biệt thế nào là động cơ không đồng bộ rô to lồng sóc để quấn lại cho đúng.
Động cơ không đồng bộ gồm có hai phần chính:
- Phần tĩnh (stato) hình trụ rỗng, bằng thép kỹ thuật điện ghép lại, phía trong có dập rãnh để đặt 3 cuộn dây quấn ở stato (hình 3-2).
- Phần quay (rô to) cũng bằng thép kỹ thuật điện có dập rãnh đúc nhôm tạo thành lồng sóc, rô to được lắp trục và vòng bi đặt trên hai nắp để quay trơn trong stato.
Cấp điện áp 3 pha vào 3 cuộn dây ở stato, dòng điện trong dây quấn sẽ tạo thành từ trường quay khép mạch qua lõi thép stato, rô to.
Tốc độ quay của từ trường (n1) tỷ lệ thuận với tần số (f) của nguồn điện, tỷ lệ nghịch với số đôi cực (p) của động cơ theo công thức:
n1 = 60f / p (3-1)
Từ trường quay quét thanh dẫn ở lồng sóc nhôm (kín mạch) sinh ra dòng điện cảm ứng ở thanh dẫn, tác dụng trở lại với từ trường quay tạo ra mômen làm quay roto. Tốc độ rô to n luôn luôn thấp hơn tốc độ từ trường quay n1, vì thế được gọi là động cơ không đồng bộ.
Để biểu thị mức độ không đồng bộ giữa tốc độ và quay của rô to n so với tốc độ quay của từ trường quay n1 ta dùng khái niệm hệ số trượt S% tính theo phần trăm:
S% = [ (n1 – n) / n1 ] 100%
Độ trượt phụ thuộc vào chế độ làm việc của động cơ, tải càng nặng càng trượt nhiều, tải nhẹ trượt ít nhưng kể cả lúc không tải cũng khác trị số 0.
Khi tải hết công suất tốc độ quay của rô to giảm xuống tới tốc độ định mức ghi trên nhãn của động cơ bơm chìm nước thải Evergush. Thường giảm từ 5 ~ 6% ở các động cơ 3 pha cỡ nhỏ và giảm 1,5 ~ 2% ở các động cơ lớn. Đối với động cơ điện không đồng bộ có hệ số trượt nâng cao (AOC) thì S có thể đạt đến 10%.
Đấu dây bên ngoài và đổi chiều quay của động cơ 3 pha
Stato của moteur máy bơm nước cấu tạo gồm nhiều bin nhỏ nối thành 3 cuộn dây đặt lệch nhau 1200 (điện) trong không gian, có 6 đầu nối dây nối ra ngoài gồm 3 dây đầu A -> B -> C và 3 đầu dây cuối X – Y – Z.
Tùy theo điện áp nguồn sử dụng cho động cơ mà stato được nối hình sao hay nối hình tam giác:
- Nối hình sao (Y) khi điện áp nguồn bằng điện áp cao nhất ghi trên nhãn động cơ: 3 dây đầu A + B + C được chập lại với nhau, còn 3 dây cuối X, Y, Z được nối ra 3 dây lửa của nguồn (3-2a).
- Nối tam giác (Δ) khi điện áp nguồn bằng điện áp thấp nhất ghi trên nhãn động cơ: đầu của cuộn dây này nối với cuối của cuộn dây kia từng đôi một (A + Z; B + X; C + Y) thành 3 mối dây để nối ra 3 dây lửa của nguồn (3-2b).
Ví dụ:
Một động cơ trên nhãn ghi 220/380V thì khi sử dụng vào lưới điện 3 pha 380V phải đấu hình sao (Y), trường hợp này nếu đấu thành tam giác (Δ) thì động cơ sẽ bị cháy vì điện áp mỗi pha stato vượt định mức căn bậc hai của 3 lần.
Muốn đổi chiều quay của động cơ điện xoay chiều 3 pha chỉ cần đảo chéo hai trong ba dây từ lưới điện vào động cơ là được.
Xem thêm: Công cụ thông dụng để quấn máy điện
Quấn Rô to của động cơ điện 3 pha
Quấn rô to
Động cơ rô to quấn dây chế tạo khó khăn, đắt, sửa chữa phức tạp hơn động cơ lồng sóc mà hiệu suất và hệ số công suất cũng thấp hơn nhưng có ưu điểm đặc biệt là dễ điều chỉnh tốc độ, đặc tính khởi động tốt, dòng điện khởi động thấp, mômen khởi động cao, năng lực quá tải cũng khá hơn các loại lồng sóc. Bởi vậy nó vẫn được sử dụng ở các máy trục, tời,… và những động cơ công suất lớn.
Dây quấn roto thông thường được quấn thành 3 pha có số cực bao giờ cũng bằng số cực ở stato. Ba dây cuối được nối thành hình sao (Y) ngay trong bộ dây, còn 3 dây đầu A – B – C được nối vào 3 vành trượt để rồi qua 3 chổit han lấy điện ra biến trở khởi động và biến trở điều chỉnh tốc độ.
Những động cơ có công suất nhỏ từ 10 – 15 kW trở xuống như động cơ máy bơm nước Hitachi Thái Lan, thì roto làm rãnh kiểu nửa kín (đôi khi rãnh kín, quấn lại phải luồn dây) quấn nhiều vòng dây điện từ tròn, bọc sợi theo kiểu đồng tâm giống như stato.
Những động cơ có công suất trung bình và lớn thường dùng rãnh kiểu hở quấn bằng dây bọc sợi hoặc vải, kích thước chữ nhật thường gọi là quấn thanh đồng theo kiểu “quấn sóng”, mỗi rãnh thường có 2 thanh đồng để dễ làm, dễ sửa chữa, điều kiện làm nguội tốt.
Sửa chữa lại những rô to kiểu “thanh đồng” quấn sóng này phải vẽ sơ đồ cẩn thận rồi mới gỡ hết các thanh đồng hỏng ra khỏi roto để tận dụng.
Đốt sạch lần cách điện đã bị cháy rồi nhúng nước cho mềm lại, sau đó uốn một đầu cho có hình dáng nhất định và bọc cách điện vào thanh đồng rồi mới luồn vào rãnh đã lót cách điện (rãnh nửa kín). Tiếp tục uốn đầu kia theo chiều đấu dây đã lấy mẫu (hình 3-3).
Các rãnh khác cũng uốn dây cùng một cỡ như vậy và luồn uốn tuần tự hết lượt dây nằm dưới. Sau đó hạ tiếp tục lớp dây trên theo chiều ngược lại rồi hàn các đầu mối thật chắc với nhau.
Nối những thanh đồng ở lớp trên và lớp dưới lại với nhau được thực hiện bằng măng xông, dùng những lá đồng mỏng 0,5 ~ 1mm cuộn thành măng xông kẹp chặt hai đầu lại rồi mới hàn bằng thiếc.
Lưu ý các đầu dây nối phải cọ bằng giấy ráp (giấy nhám) sạch sẽ cả trong lẫn ngoài thì mối hàn mới chắc và dẫn điện tốt. Nếu có đồng hồ đo điện trở nhỏ thì kiểm tra điện trở giữa thanh trên với thanh dưới xem tiếp xúc tốt không? Trị số điện trở đo được giữa các mối hàn ở thanh dẫn không được sai lệch nhau quá 10%, quá mức này động cơ chạy yếu hẳn đi không kéo hết tải được.
Quấn và hàn xong, thử cách điện tốt còn phải dánh đai chặt chẽ, cân bằng và sơn sấy rồi mới sử dụng được.
Phục hồi dây quấn đã bị hỏng
Dây cũ ở rô to thường có cỡ to d >= 3mm hoặc thanh đồng, nên khi tháo dây cháy cách điện ra có thể tận dụng bằng cách đốt lớp cách điện cũ đã hỏng rồi bọc lại, vì đây là những cỡ dây, thanh đồng đặc chủng khó tìm được dây mới đúng kích thước ở ngoài thị trường.
Để đốt lớp cách điện cũ ở dây quấn, nếu có lò điện thì đặt dây hỏng vào trong lò kín sẽ đảm bảo việc đốt dây được nóng đều, chất lượng dây sau khi đốt không bị thay đổi.
Xem thêm: Cách sửa chữa máy điện một chiều
Trong hoàn cảnh sửa chữa nhỏ có thể dùng bếp lò than để đốt dây. Trước tiên phải trải đều cuộn dây hoặc các thanh đồng ra rồi hơ tất cả trên bếp lò để đốt cháy cách điện cũ đi. Nhiệt độ đốt vào khoảng 5500 ~ 7000C, vì vậy không nên dùng than đá quá nóng và khó đốt. Cách đốt thủ công này nhược điểm là khó có thể cho nhiệt độ đều, có đoạn thì không đủ nóng, có chỗ lại quá nóng, dễ làm xấu tính năng cơ giới và tính năng dẫn điện của dây. Bởi vậy khi đốt phải liên tục quay trở các mặt của cuộn dây và thanh đồng để cách điện được cháy hết, chất lượng dây vẫn đảm bảo.
Dây đốt xong đem nhúng vào dung dịch nước có khoảng 4 – 5% axit H2SO4 đến 10 phút làm cho tất cả cách điện cũ bị tróc đi rồi dùng nước lã rửa cho thật sạch. Để đề phòng axit rửa chưa hết, còn bám vào dây nên sau đó cần ngâm vào nước nóng có khoảng 1% xà phòng hoặc NaOH loãng để trung hòa hết axit.
Tiếp tục dùng nước lã rửa sạch dây một lần cuối, đem phơi nắng cho khô và lấy vải lau thật sạch.
Những dây dẫn đã được tẩy sạch, dùng búa gỗ gõ nhẹ để nắn những đoạn cong queo, những chỗ vênh cho thật phẳng, sau đó quấn vào giá cuộn dây. Khi quấn cần kiểm tra thật kỹ, nếu có chỗ dây xước gai, cạnh sắc hoặc bị sùi ra thì dùng dũa mịn sửa lại cho thật phẳng, nhẵn, đoạn nào tiết diện nhỏ phải cắt bỏ. Tuyệt đối không được dùng giấy ráp tuốt sạch cả đoạn dây hoặc thanh đồng làm dây bé đi, sau này quấn vào rô to sẽ làm nóng máy.
Cuối cùng bọc lại cách điện mới, sau đó đem nhúng sơn cách điện loãng (sơn 447) sấy cho khô để lớp cách điện bám thật chắc vào dây, nếu cần phải tuốt paraffin cho dây nhẵn lại để quấn vào rôto.
Vẽ sơ đồ quấn dây của rô to động cơ không đồng bộ
Những động cơ có công suất thấp thường quấn bằng dây tròn, dùng sơ đồ quấn đồng tâm, cách tính toán để vẽ sơ đồ giống như vẽ cho stato.
Những động cơ lớn phải dùng thanh đồng và quấn theo kiểu sóng 2 lớp, mỗi rãnh sẽ có hai thanh, những thanh này được đấu nối tiếp với nhau theo quy luật: trong một pha, từ dây vào A đến dây ra X bin dây phải đi vòng quanh roto q lần theo chiều thuận và sau đó là q lần theo chiều ngược.
Ở đây q là số rãnh của mỗi cực ở một pha, được tính như sau:
q = z2 / 2p.m (3-2)
Bước quấn là
y = 3q + 1 (3-3)
Trong đó :
- z2 là số rãnh của roto.
- 2p là số cực của động cơ.
- M là số pha (thường là 3).
Những đầu dây của 3 pha nối ra 3 vành trượt phải bố trí đều quanh roto để cho việc đi dây được thuận tiện, có thể tính khoảng cách này theo công thức :
A -> B (hoặc B -> C) : z2/m + 1 (3-4)
Ví dụ:
- Vẽ sơ đồ quấn dây của rô to động cơ:
Z2 = 24 ; 2p = 4 (quấn 3 pha)
- Từ công thức 3-2 tính được số rãnh ở mỗi cực trong 1 pha:
q = 24 / 4×3 = 2 rãnh
- Rô to được quấn theo bước đủ, vậy khoảng cách (tính bằng rãnh) giữa hai cạnh của một bin là:
y = (3 x 2) + 1 = 7 rãnh (công thức 3-3)
Bin dây của rô to được quấn bằng thanh dẫn đồng, để việc làm khuôn quấn dây đơn giản, mỗi bin chỉ có một vòng gồm hai nửa thanh dẫn, một nửa nằm ở lớp dưới còn 1/2 kia nằm ở lớp trên, rồi hàn lại với nhau bằng măng xông theo kiểu đầu nọ cuối kia (hình 3-4).
Lấy đầu của pha A ở rãnh số 1 thì theo công thức 3-4, ta có :
- Đầu của pha B sẽ ở rãnh số : 24/3 + 1 = 9 rãnh
- Đầu của pha C sẽ cách pha B : 24/3 + 1 = 9 rãnh
(Pha C nằm ở rãnh số 17)
Từ sơ đồ 3-4a, theo đường đi của điện quanh rô to bắt đầu từ pha A -> X : lấy lớp trên của rãnh số 1 là đầu xuất phát A, thanh này sẽ nối với thanh ở lớp dưới của rãnh 7, cứ tiếp tục như vậy ta sẽ có một mạch như sau :
- Lượt thứ nhất vòng quanh rô to theo thứ tự :
1 trên -> 7 dưới -> 13 trên -> 19 dưới
Nếu cứ vòng quanh rô to theo quy luật trên thì sẽ trở lại đúng lớp trên của rãnh số 1 trùng với thanh xuất phát A. Vì vậy, để đường đi có thể tiếp tục được phải rút bớt một rãnh ở bước cuối (bước ngắn, nếu bước dài phải +1), nghĩa là khi kết thúc lượt thứ nhất, đáng lẽ cho trở lại rãnh 1 thì ta phải nối với lớp trên của rãnh 24. Tiếp tục đi vòng thứ 2, như vậy lượt thứ 2 sẽ theo thứ tự :
24 trên -> 6 dưới -> 12 trên -> 18 dưới
Nếu cứ theo quy luật này, thanh dưới của rãnh 18 sẽ phải nối với thanh trên của rãnh 24, nhưng thanh này đã bị nối rồi nên ta phải nối với thanh dưới của rãnh 12 để tiếp tục đi vòng thứ 3.
Vòng này có đặc biệt là đi ngược chiều với những vòng trước theo thứ tự :
12 dưới -> 6 trên -> 24 dưới -> 19 trên -> 13 dưới
Và vòng cuối cùng theo thứ tự :
13 dưới -> 7 trên -> 1 dưới -> 18 trên
Vậy ta đã đi vòng quanh rô to 2 lần (1 = 2) theo chiều thuận và 2 lần (q = 2) theo chiều ngược để đi từ A (lớp trên của rãnh 1) đến X (lớp trên của rãnh 18).
Cũng theo cách tính như vậy các pha B – Y và C – Z được quấn theo thứ tự :
Pha B – Y
9 trên -> 15 dưới -> 21 trên -> 3 dưới -> 8 trên
8 trên -> 14 dưới -> 20 trên -> 2 dưới -> 21 trên
21 dưới -> 15 trên -> 9 dưới -> 3 trên -> 20 dưới
20 dưới -> 14 trên -> 8 dưới -> 2 trên
Pha C – Z
17 trên -> 23 dưới -> 5 trên -> 11 dưới -> 16 trên
16 trên -> 22 dưới -> 4 trên -> 10 dưới -> 5 dưới
5 dưới -> 23 trên -> 17 dưới -> 14 trên -> 4 dưới
4 dưới -> 22 trên -> 16 dưới -> 10 trên
Sau đó nối hai thanh cùng lớp dưới với nhau (19 với 12 trong pha A – X, 2 với 21 trong pha B – Y và 10 với 5 trong pha C – Z) gọi là cách nối ngang. Sợi (hoặc thanh) này gọi là sợi dây phản hướng vì bắt đầu từ sợi này hướng quấn dây sẽ đi ngược lại.
Cuối cùng các đầu A – B – C của 3 pha được nối ra 3 vành trượt, còn 3 đầu cuối X – Y- Z được nối chập với nhau thành hình sao (Y) mà ta quen gọi là đầu ba.
Nhiều động cơ các mối đấu dây của đầu ba và các mối đấu dây của sợi dây phản hướng được bố trí về phía cánh quạt (không nằm ở phía vành trượt nhu ưhinfh 3-4a) để dễ nối dây và thuận tiện cho thợ sửa chữa khi cần tháo đầu ba thử cách điện giữa các pha của roto (hình 3-4b)
Xem thêm: quấn động cơ điện một pha
Đánh đai quanh roto
Chọn dây quấn đai
Rô to của mô tơ điện tốc độ nhanh nhất là những roto quấn bằng thanh đồng ở rãnh hở (máy khởi động ô tô, động cơ rô to quấn dây,…) thì sau khi quấn lại xong đều phải đánh đai để giữ cho cuộn dây khỏi bị văng ra khi vận hành vì lực li tâm.
Dây thép dùng để đánh đai thường là dây thép không nhiễm từ hoặc dây hợp kim đồng vàng.
Thép phi từ tính (Liên Xô cũ) ký hiệu chữ H, máy nhỏ có thể dùng thép đánh đai ký hiệu M loại từ tính bình thường. Dùng dây thép cabon không có lợi vì tổn thất do dòng điện ” phu cô” có thể làm cho vòng đai bằng thép đó nóng lên, dãn nở dài ra gây cho vòng đai bị lỏng, thậm chí có khi bật cả thiếc hàn, đứt tung vòng đai, làm hỏng cuộn dây.
Dây dùng để quấn đai phải là loại dây tốt, không bị gỉ, bị sây sát, đường kính dây tùy theo đường kính roto. Vì vậy, khi tháo đai cũ phải đo đường kính nguyên thủy, thường lấy từ 0,6 ~ 2,5mm.
Dây thép không nhiễm từ mạ thiếc của Liên Xô cũ có từ 1 ~ 3mm, cần chú ý 3 điểm sau đây khí đánh đai :
- Phải chọn dây đai có chất lượng, đường kính và số vòng đúng như cũ, khi quấn và hàn đai xong thì phải đo, để thấp hơn mặt ngoài của roto từ 2 – 3 mm (rô to có đường kính từ 100 – 500mm).
Nếu vành đai cao quá, khi vận hành do sự dãn nở và lực ly tâm dễ làm cho dây đai quệt vào cuộn dây hoặc mặt trong của stato gây ra sự cố hỏng máy.
- Vị trí dùng để quấn đai bao giờ cũng ở hai đầu cuộn dây, nếu những rô to dài hoặc rãnh quấn dây là kiểu hở, người ta còn bố trí những vành đai ở phần trong của rô to để bảo đảm chắc chắn cho dây quấn trong roto. Độ rộng của vành đai ở hai đầu cuộn dây không vượt quá 40mm, máy nào cần quấn nhiều vòng hơn thì phải chia thành nhiều đoạn để giảm bớt mức tổn hao do dòng xoáy trong vành đai khi động cơ khởi động và làm việc.
- Để tránh tình trạng dây đai bị tuột hoặc lỏng cần phải siết dây đúng lực kéo, xung quanh đai có bố trí nhiều cặp dây và hàn thiếc toàn bộ vành đai thật chắc chắn.
Trường hợp không tìm được đúng đường kính dây thép cần thiết thì có thể thay thế dây khác to hơn hoặc nhỏ hơn nhưng phải giảm hoặc tăng số vòng dây quấn bằng cách nhân với hệ số k ở bảng 4 (wm = k x wc)
Ví dụ :
Rô to động cơ khi tháo vành đai ra đo dây quấn đai dc = 1mm quấn wc = 36 vòng, độ rộng của vành đai 38mm.
Hiện nay trên thị trường chỉ có dây 0,8 hoặc 1,2mm, nếu mua dây dm = 1,2mm thì chỉ phải quấn :
wm = 0,7 x 36 = 25 vòng
Trường hợp này cần kiểm tra chiều cao của vành đai.
Nếu dùng dây dm = 0,8mm thì phải quấn :
wm = 1,56 x 36 = 56 vòng
Trường hợp này thì chiều ngang của vành đai rộng quá 40mm, vậy phải chia vành đai ra làm hai đoạn như hình 3-6.
Phương pháp quấn đai
Ở những xưởng lớn người ta thường quấn đai trên máy quấn đặc biệt hoặc máy tiện có bộ phận kéo căng.
Trong điều kiện thủ công quấn đai cho những rô to động cơ thông dụng nhỏ thì có thể lấy một ê tô cặp chặt hai miếng gỗ, ở giữa hai miếng gỗ này là dây để đánh đai (hình 3-5).
Trước khi quấn phải lót một lớp bìa cách điện ЭB 0,5 hoặc mica xung quanh rô to để thanh đồng và vành đai sắp quấn khỏi chạm nhau, chiều ngang của lớp bìa cách điện phải rộng hơn vành đai ít nhất 3mm trở lên. Đồng thời phải buộc tạm xung quanh lớp bìa này những cặp bằng đồng lá để giữ chặt đầu và cuối dây thép quấn đai cho khỏi tuột.
Chiều dày của lá đồng làm cặp phụ thuộc vào dây quấn đai : đường kính dây từ 0,6 ~ 1,2mm thì lá đồng làm cặp dày 0,25mm.
Đường kính dây đai từ 1,2 ~ 2mm, phải dùng lá đồng làm cặp dày 0,35 ~ 0,40mm. Chiều ngang của cặp lấy vào khoảng 10-20mm, chiều dài của cặp phải lấy dài hơn bề rộng của vành đai để sau khi quấn dây thép xong thì đánh gập lại và hàn thiếc cho thật chắc, cách bố trí quấn dây và cặp đồng như hình 3-6.
Khi bắt đầu quấn phải cột chặt dây thép vào rô to, quấn tạm vài vòng lên lõi từ rồi điều chỉnh ê tô để kẹp chặt dây, sau đó thì quấn chính thức đè lên miếng bìa đã lót sẵn ở đầu cuộn dây. Phải quấn các vòng dây thép thật khít nhau, có thể dùng que tre để dồn dây lại và gõ thật chặt bằng búa gỗ hoặc búa cao su.
Quấn đủ số vòng quy định thì đánh gập những cặp bằng đồng để giữ dây thép khỏi xô sau đó hàn đính tất cả các cặp lại.
Cuối cùng hàn một lớp thiếc mỏng (thiếc Π OC – 30) lên toàn bộ vành đai thật láng là xong.
Chú ý : khi quấn phải dùng lực kéo hợp lý tùy theo dây thép quấn đai to hay nhỏ, lực kéo quá lớn thì dây dễ bị đứt, lực kéo nhỏ dây đai quấn sẽ không được chặt, dễ tuột.
Cường độ lực kéo kiểm tra bằng lực kế :
- Dây thép 1mm – lực kéo từ 50 ~ 60kg
- Dây thép 1,2mm – lực kéo từ 65 ~ 80kg
- Dây thép 1,5mm – lực kéo từ 100 ~ 120kg
- Dây thép 2mm – lực kéo từ 180 ~ 200kg
Nếu không có lực kế thì phải dựa theo kinh nghiệm mà phán đoán và phải có ít nhất hai người để điều chỉnh ê tô, vần rô to khi xiết chặt hoặc nới lỏng bàn kẹp để đạt được lực kéo yêu cầu.
Xem tiếp phần 2 tại đây: https://maybomnuoclytam.com/quan-dong-co-ba-pha-p2/
Dạ cho e xin tài liệu qua mail với ạ e cảm ơn
tài liệu rất hay và bổ ích, chia sẽ qua cho mình với nhe
Chào bạn,
Cảm ơn bạn đã quan tâm đến các tài liệu Hướng Dẫn Cách Quấn Động Cơ Không Đồng Bộ Ba Pha (Phần 1), chúng tôi đã gửi mail tài liệu cho bạn. Bạn vui lòng kiểm tra email (trong phần inbox lẫn Spam).
Mình cũng rất thích kỹ thuật điện,cho mình xin tài liệ3u với cảm ơn!
Chào bạn, mình đã gửi tài liệu qua mail, bạn vui lòng kiểm tra email nhé
Cho mình xin tài liệu quấn động cơ điện
Mình cũng rất thích kỹ thuật điện,cho mình xin tài liệ3u với cảm ơn!
Chào bạn, mình đã gửi tài liệu qua mail, bạn vui lòng kiểm tra email nhé
Tài liệu rất hay và bổ ích.bạn chia sẻ cho mình với nhé
Mình cũng rất thích kỹ thuật điện,cho mình xin tài liệu với cảm ơn!
Mình cảm thấy tài liệu này rât hay cho minh chon bô luôn được khong ạ
xin chào, bạn cho mình xin bộ tài liệu này nha, cám ơn