Có lẽ bạn đã nghe rất nhiều về từ “công nghệ Inverter” hay “công nghệ biến tần” từ tivi, loa đài, báo chí rồi phải không, đặc biệt là nếu bạn đã từng đi mua các đồ điện tử – điện lạnh như tủ lạnh, máy điều hòa thì chắc chắn đã từng nghe qua Inverter hay biến tần và nghĩ rằng đó là công nghệ giúp tiết kiệm điện năng trong quá trình sử dụng, do đó sẽ tiết kiệm được chi phí tiền điện hàng tháng.
Tuy nhiên, vấn đề tiết kiệm đó cũng chỉ là một phần trong ý nghĩa của Inverter mà thôi, không phải ai cũng hiểu hết được. Trong bài viết này, máy bơm Thuận Phú Group sẽ giải thích kỹ hơn về công nghệ Inverter mà hiện nay được rất nhiều hãng sản xuất thiết bị điện tử – điện lạnh áp dụng vào sản phẩm của họ.
Công nghệ inverter và Non – inverter là gì ?
Công nghệ inverter hay còn được gọi với tên gọi chuyên môn hơn là công nghệ biến tần, là công nghệ hiện đại, mới nhất tính cho đến thời điểm hiện tại được lắp đặt cho các thiết bị điện tử – điện lạnh có điều khiển. Công nghệ inverter được lắp cho thiết bị nhằm kiểm soát công suất của thiết bị, giúp giảm hao phí năng lượng trong quá trình sử dụng.
Công nghệ Inverter được nghiên cứu và phát triển bởi các kỹ sư Nhật Bản, hoạt động chủ yếu dựa vào các bo mạch. Nguyên tắc cơ bản của Inverter là dựa vào việc kiểm soát tần số (Hz) dao động tùy theo thiết kế của board mạch bên trong.
Trái ngược với inverter thì non-inverter sẽ không điều khiển công suất của thiết bị qua các board mạch tiên tiến như inverter.
Nguyên lý hoạt động
Biến tần có nguyên lý hoạt động khá đơn giản đó là nguồn điện xoay chiều 1 pha hay nguồn điện xoay chiều 3 pha được chỉnh lưu và chuyển thành điện 1 chiều mạch thẳng. Quá trình này được thực hiện bởi bộ chỉnh lưu cầu diode và tụ điện. Nhờ đó mà hệ số công suất cosphi của hệ biến tần đều có giá trị không phụ thuộc vào tải và có giá trị ít nhất là 0,96.
Dòng điện một chiều này được biến đổi thành điện áp xoay chiều 3 pha đối xứng, giai đoạn này hiện nay được thực hiện qua hệ IGBT (transistor lưỡng cực có cổng cách ly) bằng phương pháp điều chế độ rộng xung (PWM). Nhờ tiến bộ của công nghệ vi xử lý và công nghệ bán dẫn lực hiện nay, tần số chuyển mạch xung có thể lên tới dải tần số siêu âm nhằm giảm tiếng ồn cho động cơ điện và giảm tổn thất trên lõi sắt động cơ.
Dòng đinệ xoay chiều ba pha ở đầu ra có thể thay đổi giá trị biên độ và tần số vô cấp tùy theo bộ điều khiển. Theo lý thuyết, giữa tần số và điện áp có một quy luật nhất định tùy theo chế độ điều khiển. Đối với tải có mô men không đổi, tỉ số điện áp – tần số là không đổi. Tuy vậy với tải máy bơm nước và quạt, quy luật này lại là hàm bậc 4. Điện áp là hàm bậc 4 của tần số, điều này tạo ra mô men là hàm bậc hai của tốc độ phù hợp với yêu cầu của tải máy bơm/quạt điện do bản thân mô men cũng lại là hàm bậc hai của điện áp.
Inverter có thực sự tiết kiệm điện như bạn nghĩ ?
Khái niệm Inverter được gắn vào suy nghĩ của người tiêu dùng là công nghệ tiết kiệm điện. Cứ nói đến việc tiết kiệm điện là người ta nghĩ ngay đến Inverter. Theo phiếu khảo sát của chúng tôi tại một số siêu thị điện máy lớn tại Tp.HCM : lý do tại sao anh/chị lại chọn sản phẩm có Inverter ? Thì có đến 99% số phiếu trả lời nhằm tiết kiệm điện. Vậy thực tế Inverter có tiết kiệm điện như đa số mọi người đang nghĩ hay không, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu nhé.
Theo Tiến Sĩ Nguyễn Xuân Tiên, Phó chủ tịch hiệp hội, giảng viên Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng : thực chất công nghệ Inverter giúp tiết kiệm điện, tuy nhiên việc tiết kiệm điện không quá nhiều như quảng cáo của tất cả các hãng sản xuất công bố. Do đó, việc tiết kiệm điện còn phụ thuộc vào thói quen của người dùng và nhiệt độ của môi trường bên ngoài nữa.
Công nghệ Inverter thực chất chỉ tiết kiệm được từ 10% đến 15% so với non-inverter, tuy nhiên giá thành đầu tư ban đầu khá cao. Do đó bạn cần suy nghĩ kỹ trước khi đưa ra quyết định có nên mua thiết bị có inverter hay không.