Việc lựa chọn máy bơm nước tốt và phù hợp với mục đích sử dụng không phải đơn giản gì đối với người chưa có kinh nghiệm, bởi vì có rất nhiều thông số kỹ thuật về máy bơm lẫn nguồn cấp nước mà bạn cần phải quan tâm đến. Hoặc là nhu cầu sử dụng của bạn thực tế là gì bạn cũng chưa hẳn đã nắm rõ được điển hình như việc nước sinh hoạt bị yếu, nếu không có kinh nghiệm thì bạn sẽ tìm mua một chiếc máy bơm nước bất kỳ miễn sao nó bơm được nước, tuy nhiên khi gặp trường hợp này bạn phải sử dụng máy bơm tăng áp lực cho đường ống.
Chính vì những lựa chọn sai lầm và tai hại đó mà hôm nay Máy Bơm Nước Thuận Phú Group xin chia sẻ với các bạn cách chọn máy bơm tốt và phù hợp với mục đích sử dụng, hi vọng sẽ giúp ích được cho bạn trong quá trình chọn lựa máy bơm nước phù hợp với nhu cầu của mình nhé.
Cách lựa chọn máy bơm nước phù hợp
1. Cách tính chọn máy bơm nước
Để tính toán việc chọn máy bơm cho đúng với mục đích sử dụng bạn cần biết rõ các thông số kỹ thuật yêu cầu dưới đây:
– Lưu lượng: là lượng nước mà máy bơm có thể bơm lên được trong một đơn vị thời gian, đơn vị thời gian này được tính bằng m3/giờ (m3/h), m3/giây (m3/s), lít/phút (l/p), lít/giây (l/s).
– Cột áp máy bơm là gì: hay còn gọi là cột nước, là chiều đẩy cao mà bơm có thể bơm lên được, ở đây đại lượng của cột áp tính bằng mét (m) nước.
– Cỡ nòng: hay đường kính đầu vào và đầu ra của bơm, thông thường đường kính đầu vào và đầu ra sẽ bằng nhau, đơn vị tính của cỡ nòng là milimet (mm).
– Cách chọn công suất máy bơm nước: công suất máy bơm hay công suất tiêu thụ là lượng điện năng mà máy bơm tiêu thụ trong một đơn vị thời gian, đơn vị tính công suất là wat (w), kilowatt (kw), ngựa – mã lực (hp).
– Điện áp sử dụng: thông thường điện áp sử dụng ở Việt Nam là 220V/50hz và 380V/50hz, chính vì vậy mà để lựa chọn máy bơm nước bạn cần chọn đúng loại điện áp đang sử dụng tránh tình trạng yếu điện, cháy máy, hoặc máy không hoạt động do không đấu được đường dây.
Xem ví dụ chọn máy bơm nước ở phần Cách lựa chọn máy bơm nước gia đình bên dưới để biết cách chọn lưu lượng, cột áp, cỡ nòng, công suất tiêu thụ điện.
2. Cách chọn Aptomat (CB) cho máy bơm
Aptomat hay còn được gọi là cầu dao hay công tắc điện tự động, cái tên Ap-to-mat bắt nguồn từ tiếng Nga, tên tiếng anh là Circuit Bkeaker (viết tắt là CB). Aptomat được dùng để ngắt điện tự động mỗi khi quá tải trong hệ thống sử dụng điện, một số Aptomat còn có thêm tính năng chống giật, chống rò rỉ điện, bảo vệ theo từ nhiệt.
Xem thêm định nghĩa Aptomat là gì
Để lựa chọn Aptomat (CB) thì bạn cần chọn theo số cực (Poles)
– Lưới điện sử dụng cho các thiết bị trong gia đình thường là 1pha 220v, và có 2 dây dẫn điện do đó mà chúng ta sử dụng 1P hoặc 2P (P là ký hiệu của Poles, tiếng việt gọi là cực). Khi sử dụng 1P thì ta chỉ ngắt được dây P ra khỏi mạch điện, còn nếu dùng 2P thì ta có thể ngắt được cả cực P và N ra khỏi mạch điều khiển, tăng độ an toàn cho người dùng.
– Còn đối với các nhà máy hay gia đình có sử dụng điện áp 3pha 380v thì chúng ta có loại 3pha 3 dây và 3pha 4 dây, do đó khi chọn CB bạn cần chọn cho phù hợp.
Đặc biệt, bạn cần chú ý đến cường độ dòng điện của máy bơm và Aptomat, bởi vì khi chọn cường độ dòng điện đi qua Aptomat mà nhỏ hơn cường độ dòng điện của bơm thì Aptomat sẽ bị đóng ngay khi bạn bật, làm máy bơm không hoạt động được.
Xem chi tiết cách chọn aptomat tại đây: https://maybomnuoclytam.com/aptomat-la-gi/
Cách lựa chọn máy bơm nước gia đình tốt
Máy bơm nước sử dụng cho gia đình được chia làm hai loại chính là máy bơm nước đẩy cao và máy bơm nước tăng áp, về cấu tạo và nguyên lý hoạt động của cả hai loại bơm này đều khác nhau, do đó khi chọn mua máy bơm nước cho gia đình bạn cần phải tìm hiểu kỹ vấn đề nhu cầu sử dụng thực sự. Dưới đây là cách phân biệt hai dòng bơm này, bạn cần đọc kỹ về định nghĩa của từng loại để chọn cho phù hợp.
1. Cách chọn máy bơm nước đẩy cao
Máy bơm nước đẩy cao là loại máy bơm được sử dụng nhiều trong dân dụng, hộ gia đình có khoảng 6 tầng lầu trở xuống, và lượng nước bơm lên bồn chứa không cần nhiều lắm, có thể dùng máy bơm đẩy cao để bơm nước trực tiếp từ đường ống thủy cục (nước máy – nước khung tên), hoặc bơm nước từ giếng đào hoặc giếng khoan.
Để lựa chọn được chiếc máy bơm nước đẩy cao phù hợp bạn cần xác định được các đại lượng kỹ thuật sau (xem định nghĩa các thông số ở phần I):
– Lưu lượng: để chọn được lưu lượng nước đúng bạn cần biết bồn chứa của gia đình mình đang dùng bao nhiêu m3 hoặc lit. Khi đã biết được thể tích bồn chứa rồi, bạn sẽ tiến hành chọn lưu lượng của máy bơm, thông số lưu lượng được ghi trên thân máy, đơn vị thường là m3/h, m3/s, l/p, l/s.
Mỗi hãng sản xuất sẽ ghi thông số kỹ thuật với đơn vị khác nhau, do đó nếu không có đơn vị chính xác thì bạn phải đổi đơn vị đo lường lưu lượng theo công thức sau:
1 m3/h = 16,667 l/p
1 l/p = 0.06 m3/h
1 m3/s = 6000 l/p
1 l/p = 0.017 l/s
1 l/s = 60 l/p
Sau khi đã đổi đơn vị xong, bạn cần đối chiếu lưu lượng cần với lưu lượng của máy bơm, thông thường trên máy bơm sẽ ghi Qmax (chỉ số lưu lượng tối đa).
– Cột áp: khi chọn cột áp cho máy bơm đẩy cao, bạn cần phải tính toán chính xác chiều cao cần bơm, chiều cao này tính từ vị trí đặt máy tới bồn chứa trên cao. Khi đã có cột nước cần bơm lên, bạn bắt đầu chọn cột áp được ghi trên vỏ máy bơm ký hiệu là Hmax, tuy nhiên bạn cần phải trừ hao do quá trình nước di chuyển trong đường ống bị các lực ma sát, lực hút của trái đất cản trở, do đó mà bạn cần trừ hao ra khoảng 3m đến 5m.
Lấy ví dụ: chiều cao cần bơm tính từ vị trí đặt máy lên bồn là 15m, bạn lắp máy bơm hút nước trực tiếp từ đường ống thủy cục vào, như vậy bạn sẽ cần chọn máy bơm có cột áp cao 18m đến 20m nhằm đảm bảo được khi nước bơm lên tới bồn chứa vẫn còn nhiều, giúp giảm thời gian bơm, tiết kiệm điện.
– Điện áp sử dụng: khi đấu nối máy bơm nước vào hệ thống điện gia đình, bạn cần chọn đúng điện áp cho máy bơm, thường thì điện áp của gia đình là 1 pha 220v. Khi lắp đặt máy bơm thì bạn nên sử dụng Aptomat (hay CB ngắt điện tự động) để tránh tình trạng hỏng hóc máy bơm làm chập mạch điện gây cháy toàn bộ hệ thống đường dẫn trong nhà.
– Công suất máy bơm: đối với gia đình để bơm nước lên bồn cao thì bạn chỉ cần dùng các loại máy bơm công suất nhỏ khoảng 1hp đến 1,5hp trở xuống, như vậy đảm bảo cho việc hoạt động của bơm không gây hao quá nhiều điện, cũng như gây lãng phí tiền đầu tư mua máy bơm và tiền điện hàng tháng.
Một lưu ý nhỏ nữa là khi chọn công suất của máy bơm, bạn cần chọn cường độ dòng điện cho đúng, cường độ dòng điện đơn vị Ampe (A) tại đồng hồ tổng do điện lực ghi là 26A, như vậy bạn cần chọn máy bơm nước có cường độ dòng điện dưới 26A là được.
2. Cách chọn mua máy bơm tăng áp
Máy bơm nước tăng áp hay còn gọi là máy bơm áp lực, được dùng để trợ lực cho nước trong đường ống, máy bơm này hoàn toàn tự động dựa trên sự bộ cảm biến áp lực ở đầu ra của máy. Khi có van nước trong hệ thống xả nước, thì áp lực nước sẽ bị giảm, bộ cảm biến nhận tín hiệu và báo đến rơ le, rơ le này có nhiệm vụ là đóng ngắt điện cho máy bơm. Do đó mà bơm có thể hoạt động mỗi khi áp lực trong đường ống bị giảm.
Xem định nghĩa bơm tăng áp là gì
Để lựa chọn được máy bơm tăng áp tốt và chuẩn, bạn cần chú ý các điểm sau:
– Sử dụng bơm với mục đích gì: việc xác định được mục đích cần bơm là vô cùng quan trọng, bởi vì khi bạn dùng bơm tăng áp cho máy giặt bị yếu nước, cho vòi sen, bồn rửa chén, thì sẽ cần bơm tăng áp công suất nhỏ khoảng 100w hoặc 150w. Còn khi bạn dùng cho hệ thống của gia đình thì bạn cần bơm áp lực có công suất lớn hơn từ 200w trở lên.
– Cột áp: tương tự như máy bơm đẩy cao, tuy nhiên cột áp của bơm tăng áp lại được tính từ vị trí đặt máy (thường nằm trên cao) xuống tới thiết bị cần tăng áp. Nếu bạn dùng bơm tăng áp máy giặt, vòi sen, vòi rửa chén thì bạn lắp bơm ngay trước các thiết bị. Còn nếu bạn lắp cho cả hệ thống ống dẫn thì cần đặt bơm phía sau bồn chứa nhưng khoảng cách từ bồn chứa đến bơm khuyến khích là 3m trở lại.
Cột áp của bơm tăng áp còn được dùng để xác định áp lực nước chảy ra, cột áp càng lớn thì áp lực bơm càng mạnh.
– Lưu lượng: thường thì lưu lượng nước sẽ được tính bằng cách áng chừng theo số lượng người dùng nước trong nhà, nếu gia đình ít người và không thường xuyên dùng nước thì có thể chọn máy bơm có lưu lượng không cần nhiều lắm.
– Điện áp sử dụng: thường thì đối với bơm tăng áp của gia đình sử dụng điện áp 220V/50hz, và chúng tôi cũng khuyến khích bạn dùng Aptomat (CB) để ngăn các trường hợp đáng tiếc xảy ra.
– Vị trí đặt máy: bạn có từng nghe qua việc các loại máy bơm tăng áp kêu tạch tạch rất to chứ, đây là lý do mà bạn cần phải chọn vị trí đặt máy cho phù hợp. Đối với các dòng máy bơm tăng áp cơ việc đóng ngắt rơ le (công tắc áp lực) thường gây ra tiếng ồn rất to, do đó bạn cần đặt máy ở vị trí xa phòng ngủ, khu vực cần sự yên tĩnh.
Tuy nhiên, ngoài giải pháp đặt máy ở xa thì bạn còn có lựa chọn khác chính là dùng máy bơm tăng áp điện tử. Loại máy bơm này dùng mạch điện tử để cảm biến áp lực và đóng ngắt điện, do đó loại trừ được tiếng ồn phát ra từ máy mỗi khi đóng ngắt điện.
Cách chọn máy bơm hỏa tiễn
Máy bơm hỏa tiễn là loại bơm được sử dụng cho giếng khoan, hoặc giếng đào, máy bơm hỏa tiễn này có cấu tạo thân tròn và dài, có cấu tạo đặc biệt có thể thả chìm dưới nước mà không rò rỉ điện. Việc chọn máy bơm hỏa tiễn cũng rất đơn giản, bạn chỉ cần làm theo các bước dưới đây.
1. Chọn theo đường kính bơm
Bất kỳ nhà sản xuất máy bơm nước nào cũng chỉ sản xuất ra máy bơm hỏa tiễn có các kích thước 3inch, 4inch, 6inch nhằm đồng bộ với việc khoan giếng, giúp cho khách hàng dễ dàng chọn lựa và lắp đặt máy bơm giếng khoan cho phù hợp.
Bạn cần chọn đường kính bơm theo đường kính của giếng khoan, chẳng hạn như giếng khoan có đường kính 13cm thì bạn chọn bơm có đường kính 4inch (tương đương 10.16cm), như vậy việc thả bơm sẽ dễ dàng hơn. Chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn công thức đổi đơn vị Inch ra cm như sau:
1 inch = 2.54 cm
1 cm = 0.394 inch
Khi chọn bơm hỏa tiễn theo đường kính thì bạn cần trừ hao ra 3cm đến 4cm, vì đường kính 4inch thì chỉ là đường kính của bơm, ngoài ra trên thân bơm còn có hệ thống dây điện nữa, do đó mà việc trừ hao là hết sức quan trọng để thả bơm được dễ dàng. Đồng thời việc trừ hao này giúp cho khi thả bơm xuống sẽ có một khoảng hở để nước có thể chảy vào bơm.
2. Chọn theo thông số kỹ thuật
Công suất máy bơm hỏa tiễn được định nghĩa bởi các thuộc tính như cột áp, lưu lượng, điện áp, công suất, dưới đây là ý nghĩa các thông số kỹ thuật này.
– Cột áp: được tính từ vị trí thả máy bơm hỏa tiễn lên tới vị trí cần bơm, cũng tương tự như việc chọn máy bơm đẩy cao, bạn cần trừ hao ra khoảng 3m đến 5m nhằm đảm bảo được lưu lượng nước cấp cho bồn chứa.
– Lưu lượng: lượng nước mà bơm có thể bơm được trong một khoảng thời gian cố định, ví dụ bạn có bồn chứa 500 m3, thì bạn chọn máy bơm hỏa tiễn nào có lưu lượng khoảng 9m3/h đến 10m3/h để việc bơm nước được nhanh hơn.
– Điện áp: máy bơm hỏa tiễn cũng được sản xuất với hai loại điện áp khác nhau là điện áp 1Pha 220V/50hz và 3Pha 380V/50Hz, do đó mà bạn cần chọn điện áp cho phù hợp. Đối với dân dụng thì thường dùng điện áp 1Pha 220V/50Hz, còn điện 3Pha 380V/50Hz thì thường dùng cho công nghiệp, tòa nhà, chung cư, văn phòng, một số ít dùng cho dân dụng.
– Công suất: đối với máy bơm hỏa tiễn và các loại máy bơm khác, công suất máy thường ảnh hưởng đến lưu lượng và cột áp của bơm do công suất càng lớn số vòng tua của máy càng nhiều nên bơm sẽ hoạt động mạnh hơn. Tuy nhiên bạn cũng cần chọn công suất cho phù hợp nhằm tiết kiệm điện sử dụng và tiết kiệm chi phí đầu tư mua máy.
Cách chọn máy bơm chữa cháy
Bơm chữa cháy hay máy bơm cứu hỏa, là dòng bơm nước có công suất lớn thường từ 10hp (ngựa) trở lên. Với công suất này, bơm chữa cháy sẽ bơm được một lượng nước rất lớn và cột áp đẩy cũng rất cao. Ngoài việc dùng cho phòng cháy chữa cháy thì bơm cứu hỏa còn được dùng cho các ngành công nghiệp sản xuất, bơm nước cho các tòa nhà cao ốc, văn phòng, chung cư. Máy bơm chứa cháy có hai loại là bơm chữa cháy chạy điện và bơm chữa cháy chạy dầu diesel, việc chọn lựa hai loại bơm này cũng giống nhau, chỉ khác nhau ở nhiên liệu hoạt động.
1. Chọn theo kiểu dáng của bơm
Máy bơm chữa cháy chạy điện có hai loại chính là máy bơm ly tâm trục ngang và máy bơm ly tâm trục đứng. Sau đây chúng ta sẽ cùng tìm hiểu đặc điểm của hai dòng bơm này.
– Máy bơm ly tâm trục ngang: là loại bơm có thân bơm theo phương nằm ngang với mặt đất (xem hình bên dưới), dòng bơm này có lưu lượng nước lớn, cột áp tương đối, nếu cần cột áp cao thì phải sử dụng các loại bơm trục ngang công suất lớn.
– Máy bơm ly tâm trục đứng: là loại máy bơm đa tầng cánh, thân bơm hướng theo chiều đứng vuông góc với mặt đất (xem hình bên dưới). Máy bơm ly tâm trục đứng thường được áp dụng khi thiết kế kỹ thuật yêu cầu bơm nước với áp lực cao, tuy nhiên lưu lượng của bơm ly tâm trục đứng này khá ít, nếu cần bơm lưu lượng nước nhiều phải dùng các loại bơm có công suất lớn hơn.
Máy bơm ly tâm trục ngang và trục đứng thường được lắp đặt theo hệ thống bơm có tủ điều khiển bơm, khi nối ống dẫn và bơm thường phải dùng mặt bích. Yêu cầu cần phải biết kỹ thuật điện để thi công lắp đặt bơm chữa cháy chạy điện cho đúng, bởi việc đấu nối tủ điều khiển khá phức tạp.
Xem thêm: máy bơm nước Pentax mua ở đâu
2. Chọn theo thông số kỹ thuật
– Cột áp: đối với dòng máy bơm chữa cháy thì việc lựa chọn cột áp khá quan trọng, bởi vì trong trường hợp khẩn cấp xảy ra, bơm phải hoạt động trơn tru, cột áp bơm lên phải đủ cao để cấp nước cho vị trí đang xảy ra cháy.
Hoặc giả sử sự cố cháy đã lan ra thì việc bơm cho các vị trí đó rất khó khăn nếu bạn chỉ chọn bơm có cột áp đúng với chiều cao thực tế của tòa nhà. Do đó mà khi lựa chọn cột áp cho máy bơm chữa cháy, bạn cũng cần chọn dư ra khoảng 5m đến 10m để đảm bảo cho hệ thống có thể bơm được xa hơn dự tính.
Ngoài ra đối với hệ thống chữa cháy tự động có sử dụng thiết bị báo cháy, thì chọn cột áp rất quan trọng, bởi khi xảy ra sự cố tất cả các van sẽ được mở làm giảm áp lực trong đường ống, nếu cột áp thấp thì nước sẽ chảy ra rất yếu.
– Lưu lượng: đối với các đám cháy lớn buộc bạn phải dùng rất nhiều nước để bơm, do đó việc chọn máy bơm có lưu lượng nhiều là không dư thừa nếu bạn muốn đảm bảo tài sản không bị hư hao nhiều.
– Mặt bích: được làm bằng gang hoặc inox, có thiết kế hình đĩa tròn, bên trên bề mặt có lỗ để bắt vít. Khi chọn bơm bạn cũng cần coi thiết kế của đường ống bao nhiêu và lựa chọn mặt bích cho phù hợp với máy bơm.
– Điện áp: đối với các dòng máy bơm chữa cháy thì chỉ sử dụng điện áp 3Pha 380V/50Hz, do đó mà bắt buộc bạn phải lắp ráp tủ điều khiển bơm. Khi đấu nối bơm với tủ điện điều khiển bạn cần phải có kinh nghiệm và am hiểu về kỹ thuật thì mới lắp đặt được. Cần kiểm tra lại các pha trước khi vận hành máy bơm nhằm tránh tình trạng đấu lộn pha máy không hoạt động.
Cách chọn máy bơm cho hồ cá
Thú chơi cá cảnh hiện nay nở rộ trên toàn quốc, chính vì vậy mà việc chọn lựa chiếc máy bơm cho hồ cá nhằm vệ sinh bể cũng như tạo oxy tự động cho bể cá là vô cùng quan trọng. Bạn thử tưởng tượng nếu chỉ một ngày bạn không dọn dẹp và vệ sinh bể cá thì sẽ thế nào, tôi nghĩ nó sẽ rất dơ và tồi tệ lắm đấy. Vậy việc chọn bơm bể cá theo các nguyên tắc nào, hãy xem dưới đây nào. Để bơm được các chất thải này bạn có thể dùng máy bơm thả chìm hoặc máy bơm đặt cạn, dưới đây là cách chọn bơm cho bể cá.
1. Chọn theo loại bể cá
– Bể cá bằng kiếng: đối với loại bể cá này thì bạn nên dùng các loại máy đặt cạn có công suất nhỏ 12v, 24v để bơm vì lượng nước trong bể cá này thường rất ít, nếu sử dụng bơm có công suất quá lớn thì sẽ làm cho cá bị hút vào máy, hoặc cá sẽ bị ngợp. Khi lắp đặt bể cá này ta sẽ kết hợp với một hộp lọc chất thải, hộp này được lót bằng nhiều lớp vải mỏng hoặc bằng bông thô.
– Hồ cá hòn non bộ: do thiết kế của hồ cá này lớn nên việc chọn bơm dễ dàng hơn, bạn có thể chọn những loại máy bơm thả chìm có công suất 100w, 125w đến 150w để sử dụng. Máy này có đặc điểm là thả chìm trong nước với độ an toàn cao, không sợ rò rỉ điện, do đó mà có thể hút sạch được các chất cặn bẩn trong hồ.
2. Chọn theo loại cá nuôi
Mỗi loài cá khác nhau sẽ có một đặc điểm sinh học khác nhau, có loại thì ăn tạp, có loại thì cho ra chất thải làm đục nước,… do đó lựa chọn máy bơm thích hợp là điều cần thiết. Nên chọn máy bơm có lưu lượng bơm 1 giờ = 3 lần thể tích hồ cá. Tuy vậy nhưng khi lựa chọn máy bơm thì bạn cũng cần trừ ra 20% – 30% công suất ảo của máy.
Ví dụ như việc bơm nước cho hồ cá coi:
– Nếu thể tích bể cá nhỏ từ 1 m3 – 3 m3 nước thì nên dùng bơm có cỡ nóng 21 – 27 mm
– Đối với hồ cá có thể tích trên 5 khối trở lên thì bạn có thể dùng các loại máy bơm bể cá như Atman HA có hai model thấp nhất là HA20 (20 m3/h) và cao nhất là HA35 (35 m3/h), hoặc Jebao model LP55000 (55 m3/h)
Ngoài ra bạn cũng có thể sử dụng máy bơm nước thả chìm mini của NTP, APP, máy bơm Pentax loại 100w để bơm cho bể cá cũng được.
Cách chọn máy bơm bê tông
Trong các công trình xây dựng lớn nhỏ, việc trộn bê tông là hết sức quan trọng, nó làm ảnh hưởng đến cả một công trình nếu không được trộn đều và đúng cách. Tuy nhiên khi trộn xong bê tông với một khối lượng lớn bạn sẽ làm bằng tay hay sao? Câu trả lời là không, vì hiện nay đã có máy bơm bê tông rồi.
Máy bơm vữa bê tông là gì? Cấu tạo, phân loại, nguyên lý hoạt động
1. Chọn máy bơm bê tông mới
Trên thị trường hiện nay có hai loại là máy bơm bê tông tĩnh và máy bơm bê tông động, trong đó máy bơm bê tông tĩnh là loại được ưu chuộng và sử dụng nhiều.
Ưu điểm của loại máy bơm bê tông tĩnh này là giúp làm tăng năng suất và hiệu quả làm việc tăng cao, giảm thời gian, sức người và nhân công lao động đáng kể. Đồng thời đường ống của loại máy bơm này có thể láp lắp một cách dễ dàng, nhanh chóng.
Đặc biệt là loại máy bơm bê tông tĩnh 47m còn phù hợp với các công trình xây dựng cao tầng, hoặc công trình xây dựng nhà dân ở các đường hẻm nhỏ nơi mà các loại xe lớn không vào được.
Máy bơm bê tông tĩnh thường ứng dụng nhiều trong công trình xây dựng các tòa nhà, cao ốc, chung cư, văn phòng, khách sạn,…
2. Chọn mua máy bơm bê tông cũ
Do máy bơm bê tông mới thường có chi phí rất cao, do đó nhiều nhà thầu đã chọn lựa máy bơm bê tông cũ nhằm cắt giảm chi phí, tuy nhiên khi mua bơm bê tông cũ bạn cũng cần lưu ý những điểm sau:
– Kiểm tra kỹ các vết bị gỉ sét, nếu máy có quá nhiều điểm bị rỉ sét thì tốt nhất bạn không nên mua loại máy này, lý do là khi mua về bạn sẽ cần phải thay thế và sửa chữa những hư hỏng đó điều này làm tăng thêm chi phí cho bạn khá nhiều.
– Chọn loại máy có công suất phù hợp nhằm đạt được hiệu quả cao nhất khi sử dụng, đồng thời giảm được chi phí đầu tư và tránh lãng phí năng suất hoạt động của máy.
– Nên đến địa chỉ bán máy bơm bê tông uy tín để có được sản phẩm chất lượng nhất.
Link bài viết: https://maybomnuoclytam.com/cach-chon-may-bom-nuoc-tot-phu-hop/
cho hỏi máy bơm nào có thể bơm hút nước giếng sâu được vậy, tôi muốn mua máy đặt trên mặt đất để dễ sửa chữa
Chào bạn,
Để bơm nước hút giếng sâu từ 8m trở xuống thì bạn có thể dùng các sản phẩm máy bơm nước đẩy cao.
Còn nếu trên 8m thì bạn có thể tham khảo các sản phẩm máy bơm hút sâu đặt cạn trong đường dẫn này nhé: http://maybomnuoc99.com/may-bom-hut-gieng-sau/
Nhà em có 2 tầng lầu thì xài loại máy bơm nào phù hợp, mong anh chị tư vấn giúp ạ.
Chào bạn,
Do bạn không cung cấp được mục đích của mình là đẩy cao hay tăng áp, nên chúng tôi sẽ đưa ra 2 giải pháp giúp bạn chọn máy bơm tốt nhé.
– Nếu đẩy cao thì dùng máy bơm Panasonic 125w
– Nếu tăng áp thì xài Panasonic 200w bạn nha